Điểm báo quốc tế 17/5: Bệnh viêm gan bí ẩn có thể liên quan đến Covid-19

Nga không lo Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO; Pháp có nữ Thủ tướng đầu tiên sau 3 thập kỷ; Giá lúa mỳ tăng cao kỷ lục; Bệnh viêm gan bí ẩn có thể liên quan đến Covid-19; Tình trạng khan hiếm sữa công thức ở Mỹ... là những tin tức đáng chú ý có trong điểm báo quốc tế ngày 17/5.

NGA KHÔNG LO PHẦN LAN, THỤY ĐIỂN GIA NHẬP NATO

Trang mạng Pô-li-ti-cô dẫn lời ông Putin cho hay, việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO không phải là mối đe doạ trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng cảnh báo Nga sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đáp trả việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tới lãnh thổ của Phần Lan và Thụy Điển. Bên cạnh đó, Nga cũng sẽ chú ý tới “chính sách mở rộng bất tận” của NATO.

NỮ THỦ TƯỚNG PHÁP ĐẦU TIÊN SAU 3 THẬP KỶ

Theo thông tin được báo Financial Times đăng tải, bà Elisabeth Borne 61 tuổi, là người phụ nữ thứ 2 được bổ nhiệm vào một vị trí quyền lực trong chính phủ của ông Macron. Các nhà phân tích cho rằng việc bổ nhiệm này được coi như một động thái nhằm chống lại những quan điểm cho rằng nhiệm kỳ 5 năm đầu của Tổng thống Macron nghiêng về cánh hữu.

GIÁ LÚA MỲ TĂNG CAO KỶ LỤC 

Theo bài báo, giá lúa mỳ đã tăng lên mức 12,47 USD/giạ, mức cao nhất trong 2 tháng qua. Tính riêng trong năm nay, giá lùa mỳ đã tăng khoảng 60%, dẫn tới chi phí của các mặt hàng như bánh mỳ, bánh ngọt, hay mỳ đều tăng. Mặc dù Ấn Độ không phải là quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn trên thế giới, nhưng việc lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này của Ấn Độ có thể gây ra một tác động lớn như vậy đã một lần nữa khẳng định triển vọng ảm đạm với nguồn cung lúa mỳ toàn cầu.

BỆNH VIÊM GAN BÍ ẨN CÓ THỂ LIÊN QUAN ĐẾN COVID-19

Theo tờ Global Times, các nhà nghiên cứu cho rằng, các ca viêm gan cấp tính ở trẻ em gần đây có thể là kết quả của tình trạng nhiễm virus gốc corona, sau đó tiếp tục nhiễm adenovirus. Tình trạng này tạo thành ổ chứa virus trong đường ruột của trẻ. Sau khi nhiễm covid-19, ổ chứa virus "làm nhiễu" tín hiệu phản ứng của hệ miễn dịch, tạo thành các siêu kháng nguyên lặp lại và gây ra tình trạng phản ứng quá mức trong cơ thể. Sau đó, adenovirus tác động thêm làm ổ viêm nặng hơn, dẫn đến các bất thường ở hệ miễn dịch như tình trạng viêm gan cấp tính được báo cáo gần đây.

TÌNH TRẠNG KHAN HIẾM SỮA CÔNG THỨC Ở MỸ

Trang Bloomberg đăng bài viết, trong đó giải thích về tình trạng thiếu hụt sữa công thức ở Mỹ. Thứ nhất là nỗi sợ hãi về nhiễm khuẩn. Trong tháng 2/2022, Abbott Laboratories, nhà sản xuất sữa công thức Similac đã phải đóng cửa một nhà máy ở bang Michigan sau khi các cơ quan quản lý liên bang cảnh báo về tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ sau khi dùng sản phẩm của công ty. Chính điều này đã làm trầm trọng thêm các thách thức hiện có như thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng. Tác giả bài viết nhận định, với một chuỗi các sự kiện như vậy thì các nhà hoạch định chính sách cũng khó có thể dự đoán được. Thứ 2 là một chính sách kéo dài qua nhiều thập kỷ đã tạo ra một thị trường tập trung quá mức. Mức thuế quá cao và các rào cản thương mại khác đã ngăn chặn các loại sữa công thức trẻ em nhập khẩu tiến vào thị trường.

Giải thích thêm về các chính sách hạn chế nhập khẩu sữa công thức của chính phủ Mỹ, một bài viết trên tờ Wall Street Journal cho hay: Mỹ áp mức thuế lên tới 17,5% đối với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ các nhà sản xuất sữa trong nước trước sự cạnh tranh của các nhà sản xuất nước ngoài; các rào cản phi thương mại như yêu cầu về nhãn mác và thành phần của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng hạn chế việc nhập khẩu ngay cả trong thời gian khan hàng. Ngoài ra, tác giả bài viết còn cho rằng, sự hạn chế còn nằm ở “Chương trình Dinh dưỡng bổ sung đặc biệt cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ nhỏ” dành cho các bà mẹ có thu nhập thấp. Chương trình này chiếm từ 57% - 68% tổng sữa công thức được bán ở Mỹ. Mỗi tiểu bang chỉ được có một hợp đồng sữa công thức độc quyền với 1 nhà sản xuất. Điều này khiến các công ty, để có được hợp đồng, sẽ phải đưa ra các chương trình giảm giá lớn, lên tới khoảng 85% chi phí bán buôn. Và tất nhiên, cái mà các công ty nhận lại là sự độc quyền.

Khan hiếm sữa công thức cũng chỉ là một hình thức mới nhất của khủng hoảng chuỗi cung ứng. Và câu hỏi đặt ra là “tại sao?”. Theo giải thích từ 1 bài viết trên The Hill, thứ nhất là việc không đủ công suất dự phòng. Việc đóng cửa nhà máy sản xuất sữa phản ánh sự thiếu hụt năng lực trong hệ thống. Đó là việc không có một nhà máy nào có đủ công suất dự phòng để sản xuất thay thế, bù đắp cho sự thiếu hụt. Thứ 2 là số hàng tồn kho tại các công ty không đủ để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Nguyên nhân được tác giả đưa ra là do mất nhiều chi phí. Thứ 3 là mức độ tập trung của nguồn cung cấp. Thứ 4 là cuộc đua về giá cả. Và cuối cùng là những nút thắt hậu cần đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Kết thúc bài viết, tác giả khẳng định sự khan hiếm sữa sẽ không phải là sự cố cuối cùng trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Anh Tuấn