Điểm báo quốc tế 15/05: Nga phản ứng việc Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập

Nga phản ứng việc Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập; Gia tăng ca tử vong do COVID-19 tại Triều Tiên; Tác động từ lệnh cấm xuất khẩu lúa mì từ Ấn Độ;.... là những tin tức đáng chú ý trên các trang báo quốc tế ngày 15/05.

NGA PHẢN ỨNG VIỆC PHẦN LAN TỪ BỎ CHÍNH SÁCH TRUNG LẬP

Quyết định từ bỏ chính sách trung lập truyền thống của Phần Lan là một sai lầm. Đây là tuyên bố được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto.

Việc chấm dứt chính sách trung lập quân sự truyền thống sẽ là một sai lầm vì không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan. Sự thay đổi như vậy trong chính sách có thể tác động tiêu cực đến quan hệ song phương vốn đã phát triển trong nhiều năm dựa trên tinh thần láng giềng tốt đẹp và hợp tác cùng có lợi. Theo bài viết, Phần Lan sẽ chính thức tuyên bố xin gia nhập NATO trong ngày hôm nay 15/5.

XẢ SÚNG KHIẾN ÍT NHẤT 10 NGƯỜI THIỆT MẠNG Ở MỸ

Ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại một siêu thị ở thành phố Buffalo, bang New York, Mỹ. Theo The Guardian, vụ xả súng xảy ra vào khoảng 2h30 chiều 14/5 (giờ địa phương), tổng cộng 13 người đã bị bắn, trong đó có 11 người da màu và 2 người da trắng. Nghi phạm đã bị bắt giữ và đang bị FBI thẩm vấn. Hiện nguyên nhân vụ việc vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên không loại trừ động cơ xuất phát từ phân biệt chủng tộc. Theo các nhà điều tra, tay súng có thể đã phát trực tiếp vụ xả súng trên mạng xã hội, thông qua một camera gắn trên mũ bảo hiểm của hắn. 

GIA TĂNG CA TỬ VONG VÌ COVID-19 Ở TRIỀU TIÊN

Triều Tiên hiện đã ghi nhận tổng cộng 42 trường hợp tử vong vì COVID-19 và số người có triệu chứng sốt đã tăng lên hơn 820 ngàn người. Hôm nay  là ngày thứ tư Triều Tiên ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên của nước này.

Reuters dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho hay, Bình Nhưỡng đang thực hiện "các biện pháp khẩn cấp nhanh chóng" để kiểm soát dịch bệnh, nhưng không có dấu hiệu cho thấy nước này sẽ chấp nhận các gói hỗ trợ vaccine từ bên ngoài. Hiện tất cả các tỉnh, thành phố và quận trên khắp Triều Tiên đã bị phong tỏa hoàn toàn, các đơn vị làm việc, đơn vị sản xuất và đơn vị dân cư đóng cửa từ sáng 12/5 và việc xét nghiệm nghiêm ngặt và chuyên sâu đối với tất cả người dân đang được tiến hành.

THÁI LAN CẠNH TRANH TRỞ THÀNH TRUNG TÂM Y TẾ CỦA ASEAN

Thái Lan hy vọng trở thành nơi đặt Trung tâm ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. Đây là tuyên bố được Bộ trưởng Y tế Thái Lan đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 15 diễn ra tại Bali, Indonesia. Tin trên tờ Bangkok Post.

Hiện Thái Lan đang cạnh tranh với Indonesia và Việt Nam để trở thành nơi đặt trụ sở của trung tâm này. Trước đó trong nỗ lực ứng phó với đại dịch covid-19, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua đề xuất mở Trung tâm ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. Theo giới chức y tế ASEAN, việc củng cố hệ thống y tế của khu vực và khả năng phục hồi trước các mối đe dọa sức khỏe mới và các trường hợp khẩn cấp là rất cần thiết. 

TÁC ĐỘNG TỪ LỆNH CẤM XUẤT KHẨU LÚA MÌ CỦA ẤN ĐỘ

Trong một bước đi bất ngờ, chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ với hiệu lực ngay lập tức. Động thái này của New Đê-li diễn ra trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi hàng triệu người phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo. Vậy nguyên nhân gì khiến Ấn Độ đưa ra lệnh cấm này và nó sẽ tác động như thế nào đến tình hình lương thực thế giới? Báo chí quốc tế đã có một số bài phân tích xung quang vấn đề này.

Trong bài đăng với tiêu đề “Tại sao Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì”, Tờ Times of India phân tích, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy thế giới vào bờ vực của sự khủng hoảng lương thực lớn khi hai nước này chiếm tới 1/3 lượng lúa mì và lúa mạch xuất khẩu toàn cầu. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các cảng của Ukraine đã bị phong tỏa, cơ sở hạ tầng dân sự và hầm chứa ngũ cốc đã bị phá hủy. Điều này khiến giá lúa mì toàn cầu tăng hơn 40%.

Có nhiều hy vọng cho rằng Ấn Độ, có thể bù đắp sự thiếu hụt toàn cầu khi nước này dự kiến sản lượng lúa mì sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử là 111,3 triệu tấn trong năm 2021-2022. Tuy nhiên, một đợt nắng nóng đột ngột vào giữa tháng 3 đã khiến những kế hoạch đó bị đình trệ, nhiệt độ cao khiến giảm sản lượng lúa mì sụt giảm mạnh.  Điều này buộc Ấn Độ phải ngừng xuất khẩu để ưu tiên nhu cầu nội địa. Mặc dù là nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, nhưng Ấn Độ lại tiêu thụ hầu hết lượng lúa mì mà nước này sản xuất. 

Trong bài đăng với tiêu đề “Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì, viện lý do an ninh lương thực và giá cả tăng vọt”, trang mạng Al Jazeera nhận định, mặc dù không phải là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, nhưng lệnh cấm của Ấn Độ có thể đẩy giá cả toàn cầu lên mức đỉnh mới, do nguồn cung ngày càng bị thắt chặt, gây ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi. Lệnh cấm của Ấn Độ đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của các Bộ trưởng Nông nghiệp của Nhóm G7, với lo ngại điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. 
 

Đinh Giang