Điểm báo quốc tế 14/7: Triều Tiên công nhận hai nước cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng

Triều Tiên công nhận hai nước cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng; Nga, Ukraine thành lập trung tâm điều phối ngũ cốc ở Thổ Nhĩ Kỳ; EU kêu gọi giảm tiêu thụ khí đốt; Sắp ra mắt vaccine Covid-19 chống được 2 biến thể; Cuộc chiến pháp lý giữa Twitter và tỉ phú Elon Musk ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 14/7/2022.

TRIỀU TIÊN CÔNG NHẬN HAI NƯỚC CỘNG HÒA DONETSK VÀ LUGANSK TỰ XƯNG

Triều Tiên đã chính thức công nhận hai nước cộng hoà Lugansk và Donetsk tự xưng ở miền Đông Ukraine. 

Theo Korea Herald, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui đã gửi thư tới những người đồng cấp ở Cộng hoà Lugansk và Donetsk tự xưng, trong đó Bình Nhưỡng công nhận sự độc lập của 2 vùng ly khai này. Như vậy, Triều Tiên là nước thứ 3 sau Nga, Syria công nhận 2 vùng ly khai ở miền Đông Ukraine. Phản ứng trước động thái này, Ukraine đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. 

NGA, UKRAINE THÀNH LẬP TRUNG TÂM ĐIỀU PHỐI NGŨ CỐC Ở THỔ NHĨ KỲ

Cuộc đàm phán về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã đạt kết quả. Theo đó, Nga và Ukraine đã nhất trí thành lập một “trung tâm điều phối chung” các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và đặt trụ sở tại Istanbul. Thông tin được báo The Guardian của Anh đăng tải. 

Theo bài viết, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết Nga và Ukraine sẽ gặp lại nhau vào tuần tới để ký kết thỏa thuận. Thỏa thuận sẽ bao gồm các biện pháp kiểm soát chung để kiểm tra ngũ cốc tại các cảng và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm bảo an toàn cho các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen. Dẫn lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, khẳng định đây là “một bước tiến quan trọng và thực chất, một động thái giúp tiến gần hơn đến một thỏa thuận toàn diện”. 

EU KÊU GỌI GIẢM TIÊU THỤ KHÍ ĐỐT

Báo Financial Times đưa tin, Liên minh Châu Âu (EU) đang kêu gọi các quốc gia thành viên giảm việc tiêu thụ khí đốt nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng khi Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung. 

Cụ thể, theo dự thảo “Kế hoạch cắt giảm nhu cầu khí đốt” do Ủy ban Châu Âu soạn thảo, đối với các công ty thường mua năng lượng theo hợp đồng dài hạn, các quốc gia thành viên nên đưa ra những ưu đãi tài chính để giảm nhu cầu về khí đốt. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng được khuyến khích chuyển sang năng lượng tái tạo hoặc hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Bản kế hoạch cuối cùng dự kiến được công bố vào tuần tới. 

SẮP RA MẮT VACCINE COVID-19 CHỐNG ĐƯỢC 2 BIẾN THỂ

Các phiên bản vaccine mRNA mới có thể chống được hai biến thể của Covid-19 sẽ cung cấp hiệu quả bảo vệ tốt hơn so với những loại vaccine hiện hành. Đây được coi là một thông tin tích cực trong bối cảnh số ca nhập viện ngày càng tăng do biến thể phụ BA.5 mới của Omicron. Hãng tin Channel News Asia đưa tin. 
 
Theo đó, hai hãng dược phẩm là Moderna và liên doanh BioNTech-Pfizer đang phát triển vaccine mới dựa trên sự kết hợp giữa chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Vũ Hán (Trung Quốc) và một biến thể phụ của Omicron. Được gọi là vaccine lưỡng trị, các phiên bản mới dự kiến được đưa vào sử dụng trong một chiến dịch tiêm chủng vào mùa Thu năm nay. Dẫn lời Giám đốc Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế của Châu Âu, Pierre Delsaux, khẳng định "Bất kỳ loại vaccine lưỡng trị nào có sẵn đều là loại tốt. Nó sẽ tốt hơn các vaccine hiện tại”. 

CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ GIỮA TWITTER VÀ TỈ PHÚ ELON MUSK

Mới đây, công ty Twitter Inc đã khởi kiện ông chủ Tesla, tỷ phú Elon Musk lên tòa án bang Delaware với cáo buộc vi phạm thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD giữa hai bên, liên quan đến tiến trình mua lại nền tảng mạng xã hội này. Vụ kiện này được các chuyên gia đánh giá sẽ trở thành cuộc chiến pháp lý lớn nhất trong lịch sử Phố Wall. Đây cũng là nội dung được nhiều tớ báo lớn đề cập. 

“Vụ kiện của Twitter chống lại Elon Musk giống như một kẻ thua cuộc”. Đây là tiêu đề của một bài viết được báo Wall Street Journal đăng tải. Bài viết cho hay, Twitter đang tìm cách buộc nhà tỷ phú này hoàn tất thỏa thuận mua bán với mức giá đã thống nhất là 54,2 USD/cổ phiếu. Nhiều nhà quan sát cho rằng công ty sẽ thắng thế, hay ít nhất là ông Musk có khả năng phải trả khoản phí phá vỡ hợp đồng trị giá 1 tỷ USD. Nhưng họ đã sai. Theo như tác giả bài viết, vị tỷ phú này hoàn toàn có thể ra đi mà không phải đền bù hay mất mát gì. Một trong những “kịch bản” mà bài báo này đưa ra, đó là toà án hoàn toàn có thể buộc ông Musk mua lại Twitter với việc áp dụng chế tài “nghĩa vụ hợp đồng” (specific performance). Tuy nhiên, đây chỉ là hành động cưỡng ép cuối cùng trong trường hợp không có giải pháp nào thay thế. Và nếu điều này xảy ra, Twitter có thể sẽ phải đối mặt với một tương lai đầy biến động. Bên cạnh đó, bài báo còn chỉ ra rằng, các cổ đông của Twitter không tham gia vào thoả thuận mua bán này, mà chỉ có Twitter là một thực thể pháp lý riêng biệt. Do đó, Twitter phải tự chứng minh rằng công ty bị ảnh hưởng, chẳng hạn như mất đi lợi nhuận, còn các cổ đông thì không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình từ phía vị tỷ phú nổi tiếng.

Trong khi đó, một bài viết khác trên báo Washington Post dẫn lời ông Evan Williams, đồng sáng lập Twitter, khẳng định đây chắc chắn là một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Điều đáng nói, tác giả cho rằng, vốn được coi là một doanh nhân của mọi thời đại, qua vụ việc này, Elon Musk lại cho thấy mình là một đối tác không đáng tin cậy và không trung thực, một người sẵn sàng từ bỏ các điều khoản thoả thuận do chính mình đặt ra. Bài viết nhận định, trong trường hợp ông Musk thực hiện theo đúng giao dịch, ông ấy đã có thể giúp Twitter đi đúng hướng. Mặc dù không có kinh nghiệm điều hành một công ty truyền thông hay các tập đoàn đã thành lập, nhưng vị tỷ phú này nổi tiếng với những ý tưởng đầy hứa hẹn, chẳng hạn như ý tưởng về tài khoản thương mại, hay tính phí xác minh tài khoản - một cách để loại bỏ những tài khoản mạo danh.