Điểm báo quốc tế 09/07: Di sản của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo

Di sản của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo; Triển vọng Mỹ dỡ bỏ thuế quan hàng hóa Trung Quốc; Ukraine kêu gọi đồng minh viện trợ thêm vũ khí; Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp;... là những tin tức đáng chú ý trên các báo quốc tế hôm nay.

DI SẢN CỦA CỰU THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN ABE SHINZO

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, người vừa qua đời sau vụ ám sát chấn động toàn thế giới, là một chính trị gia để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong suốt thời gian hoạt động chính trị của mình, cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã có nhiều thành tích và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Nhật Bản cũng như quan hệ quốc tế với các quốc gia khác. Cùng chúng tôi điểm lại những di sản nổi bật của ông Abe Shinzo qua góc nhìn của báo chí quốc tế. 

Trong bài viết với tiêu đề “ Di sản đồ sộ của ông Abe Shinzo ở Nhật Bản và trên thế giới”, tờ Time nhận định, ông Abe Shinzo là một nhà lãnh đạo nổi bật, và không phải ngẫu nhiên mà ông là thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản. Sức hút từ nhân cách, và tài năng chính trị đáng nể phục đã giúp ông trở thành một nhà lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lòng người dân Xứ sở mặt trời mọc. Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên (2006-2007), ông là Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ hai. Trong nhiệm kỳ từ năm 2012-2020, ông thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trên trường thế giới, giúp Nhật Bản khẳng định và nâng cao tầm ảnh hưởng.

Phân tích về di sản của ông Abe, trang mạng Al Jazeera có bài “'Abenomics': Di sản kinh tế của ông Abe nhằm phục hồi Nhật Bản”. Bài viết đánh giá, với chính sách kinh tế "Abenomics", cựu thủ tướng Abe Shinzo mong muốn hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản sau hơn hai thập kỷ đình trệ. Chính sách gồm ba “mũi tên” đó là: tiền tệ nới lỏng, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng lương. Nhờ chính sách này, kinh tế Nhật Bản đã vượt qua giai đoạn ảm đạm của những năm 1990 và 2000, xuất khẩu tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Nói về di sản đối ngoại của cựu thủ tướng Abe, DW nhận đinh, ông Abe đã đưa Nhật Bản đến gần hơn với các nước khác trong lục địa châu Á. Với tầm nhìn về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", chính trị gia này đã nâng cao nhận thức trên toàn châu Á về tham vọng của Trung Quốc ở nước ngoài, đồng thời củng cố mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và khu vực thông qua chính sách đầu tư tích cực. Với chính sách đối ngoại linh hoạt, các nhà phân tích đánh giá, cựu thủ tướng Abe Shinzo đã thành công trong cả việc mở rộng liên minh an ninh với Mỹ, cũng như bảo vệ thương mại với Trung Quốc - đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản. Bài viết khẳng định, trong thời gian cầm quyền, cựu thủ tướng Abe đã mang lại sự thịnh vượng và ổn định kinh tế cho Nhật Bản, khẳng định vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế.  

TRIỂN VỌNG MỸ DỠ BỎ THUẾ QUAN HÀNG HÓA TRUNG QUỐC

Channel News Asia dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ thảo luận với các cố vấn về phương án giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thời điểm nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đưa ra quyết định dỡ bỏ một số loại thuế quan. 

Cuộc họp ở Nhà Trắng là một trong số những nỗ lực gần đây của tổng thống Biden, khi ông phải đối mặt với nhiều sức ép, khi vừa phải sử dụng mọi công cụ để giảm lạm phạt, vừa phải duy trì áp lực đối với Bắc Kinh để cân bằng lợi ích kinh tế. Các cuộc thảo luận đều xoay quanh việc áp thuế theo Mục 301 đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, phương án giảm thuế nhập khẩu vấp phải sự phản đối từ phía công đoàn doanh nghiệp, vốn coi thuế quan là vũ khí bảo vệ việc làm.  

UKRAINE KÊU GỌI ĐỒNG MINH VIỆN TRỢ THÊM VŨ KHÍ

Ukraine vừa lên tiếng kêu gọi các đồng minh viện trợ thêm vũ khí nhằm hỗ trợ nước này làm chậm bước tiến quân sự của Nga qua khu vực phía đông Donbas.

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Ukraine cho biết Nga đã pháo kích vào các thị trấn và làng mạc tại Donbas trong nỗ lực được dự đoán là nhằm giành thêm kiểm soát một số khu vực. Trước tình hình này, Kiev khẳng định họ cần thêm vũ khí tối tân từ phương Tây để củng cố khả năng phòng thủ của mình. Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua gói viện trợ vũ khí trị giá tới 400 triệu đô la cho Ukraine, trong đó bao gồm 4 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và nhiều đạn dược. 

THÁI LAN GIA HẠN TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP

Chính phủ Thái Lan đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm hai tháng, cho đến cuối tháng 9, để kiểm soát tình hình dịch Covid-19 và bảo vệ cuộc sống của người dân. Tin trên tờ Bangkok Post. 

Theo đó, tình trạng khẩn cấp do đại dịch COVID-19 được kéo dài từ ngày 1/8 đến 30/9/2022. Đây là lần gia hạn thứ 19 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước này. Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan cho biết, quyết định này xuất phát từ sự cần thiết phải tiếp tục kiểm soát tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 và mối quan tâm đối với sức khỏe của nhân dân. Chính phủ hoàn toàn không có ý định áp dụng biện pháp này để hạn chế quyền tự do của người dân.    

ELON MUSK HỦY THƯƠNG VỤ 44 TỶ USD MUA LẠI TWITTER

Sau nhiều đồn đoán, tỷ phú Elon Musk vừa thông báo hủy kế hoạch trị giá 44 tỷ USD nhằm mua lại Twitter.  

Tờ The Guardian dẫn thông báo từ luật sư của Elon Musk cho hay, “Ông Musk đang chấm dứt thỏa thuận sáp nhập vì Twitter vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản của thỏa thuận đó”. Tuy nhiên, việc hủy bỏ này sẽ không đơn giản, khi thỏa thuận dài 95 trang này trước đó đã được đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ. Nếu hủy kế hoạch, Elon Musk không chỉ phải trả 1 tỷ USD phí bồi thường, mà còn có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa tỉ phú này với Twitter.    

Đinh Giang