Điểm báo: Phát triển nhà ở xã hội phải theo tư duy của thị trường

Phát triển nhà ở xã hội: Phải theo tư duy của thị trường; Chuỗi ngành rau an toàn... gặp “vướng”; Bất an với cơ sở giữ trẻ tự phát; Tái diễn tình trạng ùn tắc đăng kiểm ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 6/3/2023.

PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI: PHẢI THEO TƯ DUY CỦA THỊ TRƯỜNG

Trên trang nhất báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay có bài viết Hiệp hội bất động sản Việt Nam vừa đề xuất nâng lợi nhuận theo quy định cho doanh nghiệp (DN) xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) từ 10% lên 15%; đồng thời giữ nguyên mức thuế VAT là 5%. Nội dung này có nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng đa phần đều cho rằng cần phát triển NƠXH theo tư duy thị trường.

Cụ thể, các vấn đề lớn cần được ưu tiên quan tâm, gồm: ưu tiên tạo lập quỹ đất, chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần có Nghị định do Chính phủ, Thông tư hướng dẫn do bộ, ngành liên quan thông qua, chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ trong từng khâu giải quyết thủ tục; Tỷ lệ nhà ở thương mại trong dự án NƠXH đảm bảo tối thiểu lớn hơn 20%, linh hoạt với từng địa phương, dự án, phù hợp nhu cầu của DN, người dân. Các chuyên gia cho biết, Cần phải có những thay đổi mạnh mẽ và rõ ràng hơn trong tư duy và cách thức phát triển NƠXH, đặc biệt là tư duy thị trường. Vì mục đích chính của chương trình phát triển NƠXH là đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập trung bình thấp và thấp, phục vụ cộng đồng với ưu đãi hợp lý.

CHUỖI NGÀNH RAU AN TOÀN... GẶP “VƯỚNG”

Không chỉ phục vụ thị trường tại chỗ, ngành rau, củ khu vực phía Bắc đang nỗ lực xây dựng thành ngành hàng giá trị cao, chuyên nghiệp, hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn không ít khó khăn do sản xuất quy mô nông hộ, khả năng liên kết kém; tiềm lực của doanh nghiệp, hợp tác xã còn yếu...

Một khảo sát mới đây của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, Trung bình mỗi hộ gia đình chỉ có một vài thương lái đến thu mua. Các hộ sản xuất bị hạn chế khả năng thương lượng giá cả do không có nhiều kênh bán cho các thương lái khiến nông dân không bán được hàng; các thương lái phải mất nhiều thời gian để làm việc với hộ nông dân… Đây là những rào cản lớn tác động đến hình thành, phát triển ngành rau, củ, quả chuyên nghiệp. Đồng thời đa số hợp tác xã mới chỉ tập trung sản xuất, chưa chú trọng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Các chuyên gia gợi mở, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn cần mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; định hướng các nông hộ thành viên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cung cấp hình ảnh về nơi sản xuất và quá trình sản xuất lên hệ thống điện tử. Các thương lái có thể quan sát, đánh giá chất lượng trên các nền tảng đó.

BẤT AN VỚI CƠ SỞ GIỮ TRẺ TỰ PHÁT 

Vụ việc bé trai P.T.Đ, 17 tháng tuổi, bị bạo hành dẫn đến tử vong khi đi học ở một cơ sở giữ trẻ tư nhân tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang gây chấn động. Vụ việc một lần nữa dấy lên lo ngại về những hiểm nguy khi gửi trẻ tại những cơ sở giáo dục tự phát... Thông tin bài viết đăng tải trên báo Nông thôn ngày nay số ra đầu tuần hôm nay.

Qua điều tra, nghiên cứu về tình hình tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em các chuyên gia cho biết Phần lớn các vụ việc giáo viên xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em đều là những người không được đào tạo bài bản hoặc vụ việc xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, thiếu sự quản lý của Nhà nước. Các bảo mẫu thường là những người chuyển ngành, trái ngành hoặc không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, không được đào tạo bài bản. Đây là hạn chế của công tác quản lý giáo dục trong thời gian qua ở một số địa phương. Ngoài việc xử lý nghiêm khắc với các đối tượng giết trẻ em thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động giáo dục để kịp thời phát hiện ra các cơ sở giáo dục chui, hoạt động giáo dục không đúng pháp luật, các giáo viên, cán bộ, nhân viên không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra”.

TÁI DIỄN TÌNH TRẠNG ÙN TẮC ĐĂNG KIỂM 

Tính đến thời điểm hiện tại Hà Nội chỉ còn 11/31 trung tâm đăng kiểm hoạt động, TPHCM có 10/19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt độngNhững ngày vừa qua, tình trạng ùn tắc đăng kiểm đang tái diễn trở lại như thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Theo báo Đại đoàn kết ghi nhận Do thiếu hụt nhân sự trong khi các trung tâm đăng kiểm khác vẫn đang phải đóng cửa phục vụ điều tra, đã khiến việc khôi phục hoạt động các đơn vị đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm đều khuyến cáo chủ ô tô nên kiểm tra chất lượng xe trước, sửa các lỗi để tránh phải đăng kiểm nhiều lần, tốn thời gian cũng như tiền bạc và công sức. Nhân lực đăng kiểm viên đang thiếu nghiêm trọng các Chuyên gia cho rằng cần cho phép 2 đăng kiểm viên vận hành một dây chuyền thay vì tối thiểu 3 đăng kiểm viên như hiện nay để tăng năng suất vận hành ở các dây chuyền khác.