“Thần thánh hóa” thực phẩm chức năng: Hoàng Hường và còn ai nữa?; Thanh tra cấp huyện, bỏ hay giữ?; Có nên cấm trẻ ngồi ghế trước trên ô tô?;.Lịch sử có bị "khai tử" khi học sinh được tự chọn môn học trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.. là những tin chính đáng chú ý trong mục Điểm báo ngày 19/4.
“THẦN THÁNH HÓA” THỰC PHẨM CHỨC NĂNG: HOÀNG HƯỜNG VÀ CÒN AI NỮA?
Nắm bắt được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là khi dịch Covid-19 xuất hiện, hàng loạt loại thực phẩm chức năng đã ra đời. Mới đây, với những quảng cáo "tung trời" về công dụng của thực phẩm chức năng, Dược phẩm Hoàng Hường đã bị công khai xử phạt. Thế nhưng thị trường này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Bài viết trên Báo Tuổi trẻ.
Báo Tuổi trẻ dành từ “bát nháo” để nói về thị trường này. Về tình trạng "đua" nhau mua thực phẩm chức năng sau Covid-19, nhiều bác sĩ cho rằng, có nhiều người mua và uống các loại thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc bổ phổi, bổ gan, thanh lọc phổi vì nghĩ rằng sau Covid-19 thì các cơ quan ít hoặc nhiều đã bị tổn thương. Tuy nhiên không nên quá kỳ vọng vào những loại thực phẩm chức năng này. Để tránh tình trạng lòng tin bào mòn sức khoẻ, khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, người tiêu dùng nên tìm hiểu thật kỹ thông tin về chất lượng và mua từ nhà cung cấp uy tín. Không nên tự ý dùng theo lời đồn đại chia sẻ trên mạng xã hội.
THANH TRA CẤP HUYỆN, BỎ HAY GIỮ?
Chiều qua (18/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra sửa đổi. Nhiều tờ báo lớn đã cùng bình luận về chủ đề này. Theo báo Tiền phong, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí việc tổ chức các cơ quan thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh như hiện nay, tuy nhiên, về thanh tra huyện, còn có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị cần có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy. Ngược lại, luồng ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo Luật, tiếp tục duy trì thanh tra huyện như hiện nay.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Báo điện tử Dân trí có bài viết: “Có nên bỏ thanh tra cấp huyện? Báo Dân trí đề cập, Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện, vì điều này phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy.
CÓ NÊN CẤM TRẺ NGỒI GHẾ TRƯỚC TRÊN Ô TÔ?
Tại dự án Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất cấm trẻ em dưới 12 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của lái xe khi tham gia giao thông. Báo Giao thông đã có bài viết bình luận về đề xuất này.
Tiêu đề bài viết là một câu hỏi: Có nên cấm trẻ ngồi ghế trước trên ô tô? Theo Báo Giao thông, nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em ngồi ghế phía trước trên ô tô có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn so với khu vực ghế sau, nên việc cấm trẻ ngồi ghế phía trước là cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của quy định trên. Bởi hiện nay hiện nay nhiều em dưới 12 tuổi đã phát triển chiều cao trên 1,35m, trong khi đó, pháp luật chưa quy định đối với các em dưới 12 tuổi phải có chứng minh nhân dân.
Việc chứng minh độ tuổi nếu lực lượng chức năng yêu cầu sẽ khó khăn, không phải lúc nào phụ huynh cũng mang theo giấy khai sinh của con. Trong khi đó, các hãng xe cũng có khuyến cáo trẻ em dưới 12 tuổi không ngồi tại hàng ghế phía trước.
ĐƯỢC TỰ CHỌN, MÔN LỊCH SỬ CÓ BỊ…“KHAI TỬ”?
Nhiều người cho rằng, Lịch sử phải là môn học bắt buộc trong chương trình vì “Dân ta phải biết sử ta”, “Uống nước phải nhớ nguồn”; “Học sinh không học sử sẽ mất gốc”. Trước tranh cãi về chương trình GDPT mới, chia sẻ với Báo Nông thôn Ngày nay, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT năm 2018 cho hay: Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm. Ở cấp THPT, chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Có thể khẳng định là chương trình GDPT mới đã thực hiện nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ, toàn diện (theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành) .