Điểm báo 8/6: Giải ngân vốn đầu tư công: cần biện pháp quyết liệt

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Mô hình quản lý mới - Cơ hội cho cả doanh nghiệp và thị trường; Giải ngân vốn đầu tư công: cần biện pháp quyết liệt; Bất hợp lý trong cộng điểm ưu tiên đại học; Rủi ro tiềm ẩn sau hai năm bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 8/6/2022.

DỰ THẢO LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (SỬA ĐỔI): MÔ HÌNH QUẢN LÝ MỚI - CƠ HỘI CHO CẢ DOANH NGHIỆP VÀ THỊ TRƯỜNG

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng chịu tác động của nhiều yếu tố và rủi ro hỗn hợp của nhiều lĩnh vực như biến động thị trường tài chính, đầu tư, công nghệ, môi trường. Do đó, để nâng cao giám sát an toàn tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm trong 10 - 20 năm tới, hướng tới chuẩn mực quốc tế, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã đề xuất chuyển đổi mô hình quản lý, giám sát từ mô hình quản lý hiện tại sang mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. 

Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Mặt khác, thị trường bảo hiểm cũng minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG: CẦN BIỆN PHÁP QUYẾT LIỆT

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội đang chậm tiến độ, không giải ngân vốn được do các khâu thủ tục quá phức tạp, kéo dài cộng với vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Bài viết trên báo Kinh tế đô thị. 

Theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 1.843,7 tỷ đồng, bao gồm cả vốn ODA (dành cho 38 dự án), nhưng hiện mới giải ngân được 416,7 tỷ đồng, đạt 22,6%. Trong đó, có các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện, công tác đấu thầu, giải ngân các dự án… Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân chủ quan do quy trình thủ tục đối với các dự án nói chung còn khá phức tạp, hoặc do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Nhiều chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho việc giải ngân vốn đầu tư công nói chung cần có các giải pháp căn cơ, chắc chắn, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, địa phương.

BẤT HỢP LÝ TRONG CỘNG ĐIỂM ƯU TIÊN ĐẠI HỌC

Cơ chế cộng điểm ưu tiên khu vực vẫn đang tồn tại một số bất cập sau nhiều lần điều chỉnh. Điều này cũng đã được Bộ GDĐT chỉ ra qua phân tích dữ liệu điểm thi và điểm tuyển sinh những năm gần đây. Bài viết trên báo Đại đoàn kết. 

Qua phân tích dữ liệu thi và kết quả học tập, phổ điểm 4 khu vực tuyển sinh của thí sinh, xuất hiện một số bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên khu vực. Theo đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, diện được ưu tiên chiếm đa số, trong khi diện không được ưu tiên (Khu vực 3) chiếm thiểu số nên mỗi sự thay đổi về quy định ưu tiên đều gây nhiều tranh cãi.  Năm nay, Điều chỉnh chính sách ưu tiên tuyển sinh là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Theo dự thảo này, quy định điểm cộng ưu tiên khu vực trong xét tuyển đại học, cao đẳng chỉ áp dụng với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay. Còn những thí sinh đã tốt nghiệp THPT (thí sinh tự do) khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực như thí sinh khu vực 3.

RỦI RO TIỀM ẨN SAU HAI NĂM BÙNG NỔ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Lách quy định để mua bán trái phiếu riêng lẻ; phát hành trái phiếu khi thua lỗ, có hệ số nợ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu... là những gì diễn ra trên thị trường trái phiếu. Bài viết mới đây trên báo điện tử Vnxpress.

Trong khi thị trường tăng trưởng quá nóng, một bộ phận nhà đầu tư chạy theo lãi suất cao mà không đánh giá đúng mức độ rủi ro. Cách "lách" phổ biến nhất là nhà đầu tư cá nhân này được hướng dẫn mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong 2-4 ngày, để đủ điều kiện được công nhận "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" (hiệu lực trong 1 năm). Ngoài ra, họ có thể sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng. Trong trường hợp không đủ điều kiện, việc mua trái phiếu riêng lẻ vẫn có thể thực hiện thông qua các hợp đồng dân sự.

Về phía doanh nghiệp phát hành, nguy cơ rủi ro cũng tiềm tàng ở một số đơn vị. Bộ Tài chính cho biết sắp tới sẽ quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khối lượng gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, "gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng để khả năng thanh toán".