Điểm báo ngày 3/9: Cắt 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của hơn 10 bộ

Cắt 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của hơn 10 bộ, ngành; Doanh nghiệp từ lãi sang lỗ sau kiểm toán, vì đâu?; Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - doanh nghiệp không thể thờ ơ; Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu những khoản tiền nào?; Cảnh báo sốt xuất huyết gia tăng, nhiều ca biến chứng nặng... là những tin tức đáng chú ý sáng 3/9/2022.

CẮT 3.000 TỶ ĐỒNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CỦA HƠN 10 BỘ, NGÀNH

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chuyển 2.925 tỷ đồng vốn chi đầu tư phát triển của 11 bộ, ngành sang hai ngân hàng chính sách. Đây là thông tin đáng chú ý được đăng tải trên báo điện tử Vnxpress

Theo Nghị quyết 584 vừa ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương trong nước hơn 2.925 tỷ đồng của 9 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương. Hơn 2.925 tỷ đồng này sẽ được bổ sung cho hai ngân hàng chính sách, chủ yếu giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bên cạnh đó là Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Nghị quyết cũng yêu cầu giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài hơn 424 tỷ đồng của 2 bộ và 3 địa phương để bổ sung gần 210 tỷ đồng cho 6 địa phương. Số vốn điều chỉnh giảm còn lại 214 tỷ đồng, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

DOANH NGHIỆP TỪ LÃI SANG LỖ SAU KIỂM TOÁN, VÌ ĐÂU?

Trên báo điện tử Dân trí có bài viết: Doanh nghiệp từ lãi sang lỗ sau kiểm toán, vì đâu? Theo bài viết, một số doanh nghiệp bất động sản mới đây đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán và ghi nhận sụt giảm lợi nhuận cả trăm tỷ đồng, có doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ. Giới chuyên gia đều nhận định việc bị sụt giảm mạnh lợi nhuận sau kiểm toán cho thấy báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp không có độ tin cậy cao. Cũng theo bài viết, cơ quan chức năng thực chất vẫn luôn "mạnh tay" xử phạt các doanh nghiệp niêm yết lập báo cáo tài chính sai. Mới đây nhất, Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang, Công ty cổ phần Louis Land cũng bị phạt từ 250-200 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính tự lập với báo cáo soát xét.

BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ - DOANH NGHIỆP KHÔNG THỂ THỜ Ơ

Với xu hướng hội nhập trí tuệ, phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực, đồng thời cũng tồn tại các vấn đề nổi cộm về sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Theo bài viết trên báo điện tử VOV, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các chuyên gia đánh giá, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã mang tính toàn diện và sâu rộng nhất từ trước tới nay. Đồng thời cũng được kỳ vọng sẽ là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả. Các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, tìm hiểu thông tin, tư vấn từ luật sư để có thể vận dụng tốt nhất những quy định.

BAN ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH KHÔNG ĐƯỢC PHÉP THU NHỮNG KHOẢN TIỀN NÀO?

Khi học sinh bước vào năm học mới, một trong những thông tin mà nhiều phụ huynh quan tâm đó là quy định về ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có quy định những khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh được phép và không được phép thu. Trên báo Đại đoàn kết có bài viết về nội dung này.

Theo bài viết, ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu một khoản duy nhất đó là kinh phí hoạt động. Kinh phí này có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Ngoài ra, việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

CẢNH BÁO SỐT XUẤT HUYẾT GIA TĂNG, NHIỀU CA BIẾN CHỨNG NẶNG

Thời gian qua, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao, trong đó, gia tăng bệnh nhân nặng do thời tiết mưa nhiều. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng sốt, đau mỏi… nên đến cơ sở y tế khám, tránh trường hợp biến chứng nặng. Bài viết trên báo Kinh tế & Đô thị.

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyến, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021. Thời điểm này, tại các bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Trước thực tế nhiều người mắc sốt xuất huyết đã tự ý điều trị bệnh tại nhà, theo các chuyên gia, việc tự truyền nước hoặc sử dụng các dịch vụ tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế rất nguy hiểm. Khi truyền dịch tại nhà, người dân có thể bị phản vệ ngay với dịch truyền. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để khám, chẩn đoán và nghe tư vấn của bác sĩ nếu muốn truyền dịch.