• 1068 lượt xem
  • 13:56 29/04/2022
  • Xã hội

Điểm báo ngày 29/4: Kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục mạnh mẽ

Kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục; Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn kẽ hở nào?; Nhà ở xã hội cần được quan tâm và tháo gỡ vướng mắc; “Chưa thể công bố hết dịch”; Lượng khách quốc tế đến Việt Nam gấp 4 lần tháng trước... là những tin tức mới nhất trên mặt các báo sáng 29/4/2022.

KINH TẾ VIỆT NAM TRÊN ĐÀ HỒI PHỤC

Kinh tế Việt Nam vẫn trong thời khắc thử thách nhưng các chỉ số quý I/2022 cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Bài viết trên Báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng 29/4.

Theo bài viết, động lực tăng trưởng từ các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ, du lịch nhiều khả năng sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022. Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu năm nay giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch. Các yếu tố khác có tác động tích cực đến tăng trưởng là tỷ giá, lãi suất được giữ ở mức ổn định, sự phát triển của kinh tế số và các biện pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Tuy khó khăn còn nhiều, song tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng rất lớn. Vấn đề quan trọng là nền kinh tế có thể biến tiềm năng thành cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng 2022 rất khả quan, thấp nhất là 6% và cao nhất là 8%.

LUẬT NHÀ Ở, LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN CÒN KẼ HỞ NÀO?

Nhằm phát triển nhà ở cho người dân, cần sửa đổi các tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp thực tiễn, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật liên quan, hoàn thiện chính sách đồng bộ về nhà ở trên Báo Lao động có bài viết phân tích ý kiến của các chuyên gia xung quanh nội dung này.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản liên quan trực tiếp và chặt chẽ với Luật Xây dựng. Vì vậy, việc sửa đổi hai luật này cần đồng bộ và dựa trên Luật Xây dựng để tránh tình trạng chồng chéo giữa các luật, gây khó khăn, cản trở cho thị trường bất động sản. 

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia - đặt câu hỏi, nếu việc sửa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cùng với Luật Đất đai thì các bộ luật có thống nhất, đồng bộ hơn? Hay hai luật này sửa trước sẽ tháo gỡ cho thị trường bất động sản ở hiện tại, nhưng liệu có đồng bộ và nhất quán với các luật sau này hay không?

NHÀ Ở XÃ HỘI CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM VÀ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC

Còn trên Thời báo Tài chính Việt Nam có bài viết “Nhà ở xã hội cần được quan tâm và tháo gỡ vướng mắc”. Một trong những khó khăn, vướng mắc thời gian qua về phát triển nhà ở xã hội đó là vấn đề thiếu nguồn vốn. Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi gói 30 nghìn tỷ đồng kết thúc thì nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội rất hạn chế.  

Trước thực trạng nguồn cung khan hiếm, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã gửi văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tăng nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ xem xét sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP để không làm thất thoát quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo nguồn cung nhà ở xã hội và phù hợp với tình hình thực tiễn.

CHƯA THỂ CÔNG BỐ HẾT DỊCH COVID-19

Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn quốc, tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để công bố hết dịch Covid-19. Bài viết trên báo VnExpress.

Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định 07/2020 về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có quy định không ghi nhận ca nhiễm mới trong 28 ngày, tính từ thời gian ca nhiễm gần nhất được cách ly. Trong khi đó, toàn quốc vẫn ghi nhận ca nhiễm mới mỗi ngày, khó chắc chắn không phát sinh ca bệnh nào trong tương lai. 

Đây cũng là quan điểm của Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh. Theo ông, miễn dịch từ vaccine và mắc Covid-19 không bền vững, sẽ giảm dần theo thời gian. Cộng đồng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm do dịch bệnh sẽ không biến mất. Số mắc có thể tăng cao hơn trong thời gian tới, vì vậy chưa thể công bố đã hết dịch.

LƯỢNG KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM GẤP 4 LẦN THÁNG TRƯỚC

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam gấp 4 lần tháng trước, thông tin tích cực này được đăng tải trên Báo điện tử VOV. Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2022 ước đạt 70.000 lượt. Con số này gấp khoảng 4,6 lần lượng khách du lịch quốc tế đến trong tháng 3/2022. Ước tính lượng khách du lịch nội địa tháng 4/2022 đạt 10,5 triệu lượt, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Cũng theo bài viết, tổng thu từ khách du lịch 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 158.000 tỷ đồng.