Điểm báo ngày 2/8: Phát triển nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp

Phát triển nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp; Vượt khó khăn, xuất khẩu nông sản lập kỷ lục; Khơi thông vốn tín dụng cho hợp tác xã nông nghiệp; “Bản nhạc” giá cả cần sự chia sẻ và đồng điệu... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 2/8.

PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI: PHẢI PHÙ HỢP VỚI KHẢ NĂNG CHI TRẢ CỦA NGƯỜI THU NHẬP THẤP

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân (7.800.000 m2) giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Hiện nhiều dự án vẫn đang tiếp tục triển khai Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chính sách về NƠXH cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. 

Theo thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường. Đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. 

Phát triển NƠXH, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch. Yêu cầu các  các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội để thúc đẩy phát triển toàn diện hơn lĩnh vực NƠXH. 

VƯỢT KHÓ KHĂN, XUẤT KHẨU NÔNG SẢN LẬP KỶ LỤC

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục đạt được kết quả khả quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh với thặng dư thương mại 7 tháng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo đại diện lãnh đạo Bộ NNPTNT, để đạt được kết quả này, các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường. Khảo sát tình hình tiêu thụ, phát triển thị trường nông sản tại các địa phương, cửa khẩu; hỗ trợ các địa phương, ngành hàng, đơn vị tổ chức các hội thảo, hội nghị, sự kiện. Đặc biệt, việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi được đẩy mạnh.  

274 mã số vùng trồng được cấp mới và 20 mã số cơ sở đóng gói thạch đen, bưởi, xoài, lúa, khoai lang, thanh long của một số địa phương. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ theo dõi, khảo sát nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (đặc biệt tại các cửa khẩu). Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương, đa phương. 

KHƠI THÔNG VỐN TÍN DỤNG CHO HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

Tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã vẫn còn nhiều “chông gai”. Điều này khiến các hợp tác xã nói chung và hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng chưa phát triển được như kỳ vọng.

Đề cập về hoạt động tiếp cận vốn vay ngân hàng, chỉ khoảng 7.000 hợp tác xã được hỗ trợ quỹ tín dụng, 3,7% được tiếp cận tín dụng hàng năm. Đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 hợp tác xã nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển. Do đó, các chuyên gia đề xuất cần sửa đổi Nghị định luật tín dụng nội bộ quy định góp vốn tối thiểu của thành viên hợp tác xã. 

Cùng với đó, khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tín dụng cho hợp tác xã, cần gói tín dụng để giúp nông dân rời bỏ các bẫy tín dụng đen; khuyến khích đầu tư cho hợp tác xã mở rộng thành viên, hợp tác liên kết để tạo thành chuỗi nội bộ sản xuất lớn. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp cho hợp tác xã là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết được vay vốn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời, sớm hướng dẫn và triển khai cho các hộ tham gia chuỗi sản xuất để được vay vốn, tham gia chuỗi theo Nghị quyết 28 của Ủy ban Dân tộc.

“BẢN NHẠC” GIÁ CẢ CẦN SỰ CHIA SẺ VÀ ĐỒNG ĐIỆU

Điều hành giá nói chung, nhất là xăng dầu, không hề dễ dàng bởi giá cả chịu sự chi phối bởi “bàn tay vô hình” của thị trường dưới tác động của quy luật cung cầu và sự biến động của tình hình thế giới. Thông tin bài viết được đăng tải. 

Một thực tế cho thấy, giá xăng tăng thì nhiều mặt hàng cũng tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm sâu thì các mặt hàng khác lại “án binh bất động” giống như một "bản nhạc" lạc nhịp. Vì vậy, để giá cả không “tăng nhanh, giảm chậm”, trước hết, rất cần trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, cùng chia sẻ gánh nặng với cộng đồng. Đồng thời, cộng đồng cũng cần lên tiếng để các nhãn hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ điều chỉnh giá cả sản phẩm của mình phù hợp theo tinh thần: Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ. 

Đặc biệt, các cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc ngay và luôn, sử dụng tối đa các công cụ quản lý, kiểm soát để giảm mạnh độ trễ của quá trình giảm giá hay tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những hàng hóa thực hiện bình ổn giá, thiết yếu cho sản xuất, đời sống như xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp…