Điểm báo ngày 22/6: Dự kiến không tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp: Thuận lợi hay bất lợi?

Xắn tay giải quyết bất thường ở ngành Y; Đề xuất tăng dự trữ xăng dầu để tăng dư địa điều hành xăng, dầu; Kinh nghiệm Quốc tế trong việc ổn định giá xăng dầu; Dự kiến không tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp: Thuận lợi hay bất lợi?... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ra ngày 22/6/2022.

Dự kiến không tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp: Thuận lợi hay bất lợi? 

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2022, trong đó nội dung được nhiều học sinh và giáo viên quan tâm là trường dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2023. Phương thức này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.+ Theo kế hoạch, 70% chỉ tiêu đầu vào năm 2023 dành cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, hoặc xét hai tiêu chí này cùng nhau. 30% còn lại dành cho những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và các điểm học thuật khác.  Theo Báo Lao động, phương án tuyển sinh của các trường đại học sẽ thay đổi theo từng năm, vì vậy học sinh phải thích ứng và đổi mới. Thay đổi dự kiến của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thể gây bất lợi cho học sinh ở nông thôn, miền núi khi không có điều kiện dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc không đủ điều kiện thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, khó khăn thì buộc phải khắc phục, đặc biệt là trong xu thế hội nhập như hiện nay. Một số ý kiến khác cho rằng, dù trường Đại học Kinh tế Quốc dân hay một số trường khác không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì kỳ thi này vẫn có ý nghĩa nhất định.

Xắn tay giải quyết bất thường ở ngành Y.

Chuyển sang bài viết liên quan đến lĩnh vực y tế. Thiếu thuốc, “đắp chiếu” máy móc thiết bị điều trị... là những hiệu ứng sau hàng loạt vụ sai phạm ở ngành y. Sự bất thường đó không là chuyện riêng của ngành y tế mà là của xã hội khi nó có mức độ ảnh hưởng đến người bệnh ngày càng lan rộng. “Xắn tay giải quyết bất thường ở ngành y”. Đây là bài viết nổi bật trên báo Tuổi trẻ. + Báo Tuổi trẻ trích dẫn ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, trong số các nguyên nhân Bộ Y tế đưa ra, nổi bật và dễ dàng thấy nhất là cơ sở y tế và doanh nghiệp cung ứng đang sợ vì trong thủ tục đấu thầu, cơ chế, chính sách về giá, thủ tục thanh toán... còn nhiều điểm chưa hợp lý, phức tạp, khó khăn. Điều càng phức tạp hơn là không chỉ đả thông tư tưởng "sợ" trong ngành y mà cả các doanh nghiệp cung ứng vật tư y tế. Gỡ khó cho nội bộ ngành chưa xong, sao có thể trấn an cả doanh nghiệp ngoài ngành. Vì thế cần phải xem sự bất thường ở ngành y là vấn đề quốc gia để tất cả xắn tay vào cuộc. Có vào cuộc mới có góc nhìn toàn diện để báo cáo tới Quốc hội, để có những quyết sách căn cơ, gốc rễ đưa y tế ra khỏi "khủng hoảng".   

 Đề xuất tăng dự trữ xăng dầu để tăng dư địa điều hành xăng, dầu.

 Chiều 21/06, tại kỳ điều chỉnh ngày 21/6, một lần nữa giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 16 kỳ điều chỉnh, trong đó có đến 13 kỳ điều chỉnh tăng. Nguyên nhân được chỉ ra là do thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, nguồn cung tiếp tục bị hạn chế và giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu tiếp diễn xu hướng tăng…Nhiều tờ báo lớn đã có bài bình luận về vấn đề này.

Theo Báo điện tử VOV, Trong bối cảnh nguồn cung cũng như giá xăng dầu thế giới có nhiều biến động bất thường, đồng tình với việc tăng dự trữ xăng dầu, song, giới phân tích cho rằng cần tách bạch nguồn dự trữ quốc gia với dự trữ thương mại. Theo đó, không chỉ tăng dự trữ xăng dầu để góp phần đảm bảo nguồn cung cũng như bình ổn về giá khi giá thế giới biến động tăng cao, nhất là trong bối cảnh nguồn cung trong nước từ nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn thời gian qua không đạt cam kết mà cần có chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu trong thời gian tới. 

Kinh nghiệm Quốc tế trong việc ổn định giá xăng dầu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thời báo tài chính có bài viết: Kinh nghiệm quốc tế trong việc ổn định giá xăng dầu. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng sắc thuế này đối với mặt hàng xăng. Còn mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế. Còn về thuế giá trị gia tăng, trên thực tế, một số nước châu Âu cũng đã thực hiện giảm nhẹ thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng này.