Điểm báo ngày 22/11: Tự chủ bệnh viện không phải là tư nhân hóa bệnh viện công

Tự chủ bệnh viện không phải là tư nhân hóa bệnh viện công; Xem xét loại ba nhà thầu yếu khỏi dự án cao tốc Bắc Nam; Rủi ro khi vay tiền nhanh qua các ứng dụng tài chính; Giáo viên dạy chương trình mới: Sáng làm thầy, tối làm trò; Căn hộ chung cư bị biến thành nơi buôn bán: Cấm không được, quản không xong ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 22/11/2022.

TỰ CHỦ BỆNH VIỆN KHÔNG PHẢI LÀ TƯ NHÂN HÓA BỆNH VIỆN CÔNG

“Tự chủ bệnh viện không phải là tư nhân hóa bệnh viện công” đây là tiêu đề bài viết đáng chú ý trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Bài viết trích dẫn ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng, cho phép các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ là rất cần thiết, nhưng phải là tự chủ một phần để hoạt động thông thoáng hơn, chứ không phải tự chủ bằng mọi giá. Nếu không sẽ vô tình tư nhân hóa bệnh viện công, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Cũng theo bài viết, tự chủ có 4 mức. Mức 1 là tự chủ toàn diện (tự chủ toàn bộ các chi phí đầu tư, lương thưởng, vật tư), mức 2 là tự chủ toàn phần (chỉ tự chủ lương thưởng, vật tư tiêu hao, không tự chủ đầu tư), mức 3 là tự chủ một phần, mức 4 là không tự chủ, Nhà nước cung cấp toàn bộ kinh phí.

XEM XÉT LOẠI BA NHÀ THẦU YẾU KHỎI DỰ ÁN CAO TỐC BẮC NAM

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án 6, Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) loại bỏ ba nhà thầu do yếu kém về năng lực, thi công chậm trễ; giao phần việc còn lại cho các đơn vị khác. Thông tin mới đây được đăng tải trên báo điện tử VnEpress.

Công ty cổ phần 456, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2, Công ty TNHH Đại Hiệp bị xem xét loại khỏi dự án cao tốc Bắc Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.150 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia hơn 6.060 tỷ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ Giao thông Vận tải với liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Đầu tư Xây dựng VINA2 và Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng là doanh nghiệp dự án.

RỦI RO KHI VAY TIỀN NHANH QUA CÁC ỨNG DỤNG TÀI CHÍNH

Các ứng dụng vay tiền hoặc ví điện tử liên kết dịch vụ với bên thứ ba có thể giúp người dùng sớm nhận được khoản vay nhưng mức lãi suất cao kèm nhiều loại chi phí, chứa nhiều rủi ro.

Theo bài viết trên báo Thanh niên, ứng dụng vay tiền online là một phần mềm cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Hầu hết ứng dụng vay tiền hiện nay đều là những ứng dụng tín dụng đen cho vay giống với hình thức tín chấp ngân hàng. Nhưng thực tế, những đơn vị này hoạt động không có giấy phép của nhà nước. Thế nên, khi vay vốn sẽ thu với lãi suất vượt quá 20%/năm theo quy định của nhà nước. Đồng thời, khi vay qua app thường bị trừ phí khá cao, gọi là phí dịch vụ được thu theo quy định của công ty, nhưng phần lãi thì tính đủ theo số tiền duyệt vay.

GIÁO VIÊN DẠY CHƯƠNG TRÌNH MỚI: SÁNG LÀM THẦY, TỐI LÀM TRÒ

Trong khi chờ đội ngũ giáo viên mới được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm bổ sung, thay thế thì đội ngũ giáo viên hiện có vừa dạy vừa học thêm để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên báo Đại Đoàn Kết có bài viết: Giáo viên dạy chương trình mới: sáng làm thầy, tối làm trò.

Dù nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng việc thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù khó có thể khắc phục trong 1 sớm, 1 chiều. Thiếu giáo viên dạy chương trình mới là một thực tế khiến đội ngũ giáo viên bị quá tải và rất áp lực khi thực hiện chương trình. Dù được bồi dưỡng chuyên môn, nhưng hầu hết giáo viên đang phải vừa dạy vừa mày mò, thậm chí có giáo viên dạy trái chuyên môn. Trước thực tế khách quan đó, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, giáo viên phải chấp nhận áp lực rất lớn và xã hội phải chấp nhận những hạn chế nhất định của chất lượng giáo dục chưa thật sự được như mong muốn.

CĂN HỘ CHUNG CƯ BỊ BIẾN THÀNH NƠI BUÔN BÁN: CẤM KHÔNG ĐƯỢC, QUẢN KHÔNG XONG

Mặc dù Luật Nhà ở đã có quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích kinh doanh, thương mại nhưng thực tế việc sử dụng sai mục đích vẫn diễn ra phổ biến, bởi nhu cầu mặt bằng kinh doanh giá rẻ ngày càng tăng.

Theo bài viết trên báo điện tử VOV, tại Hà Nội, chưa có thống kê cụ thể về các căn hộ chung cư sử dụng làm văn phòng công ty, bán hàng kinh doanh online... cho dù thực tế là hầu khắp các tòa nhà đều có các tổ chức, cá nhân sử dụng căn hộ sai mục đích, trái quy định của Luật Nhà ở. Cũng theo bài viết, trong khi ban quản lý tòa nhà không có thẩm quyền để xử phạt vi phạm, còn cơ quan chức năng không thể đi kiểm tra từng căn hộ xem có bị sử dụng sai mục đích không. Và khi không thể tổ chức giám sát, kiểm tra, xử lý triệt để thì việc quản lý những vi phạm cùng những hệ lụy của nó cũng rất khó khăn.

Thực hiện : Hoàng Hương