Điểm báo ngày 1/8: Tự ý mua Tamiflu điều trị cúm, hậu quả khôn lường

Tự ý mua Tamiflu điều trị cúm, hậu quả khôn lường; Gỡ nút thắt trong xử lý rác thải; Sẵn sàng hỗ trợ khách hàng sử dụng thu phí không dừng; Ai đang thao túng giá vàng? ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 1/8/2022.

TỰ Ý MUA TAMIFLU ĐIỀU TRỊ CÚM, HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG 

Mở đầu mục điểm báo là bài viết trên báo Nông thôn Ngày nay. Số ca mắc cúm có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, kéo theo thị trường thuốc Tamiflu điều trị cúm có sự biến động mạnh về giá. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường hợp nào mắc cúm cũng phải sử dụng thuốc Tamiflu để điều trị.

Theo Báo Nông thôn Ngày nay, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc điều trị cúm, cụ thể là thuốc kháng virus như Tamiflu. Theo Bộ Y tế, việc tự ý sử dụng thuốc điều trị cúm Tamiflu khi không có chỉ định của bác sĩ làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.

GỠ NÚT THẮT TRONG XỬ LÝ RÁC THẢI

Sau thời gian dài chờ đợi, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã chính thức vận hành. 

Theo các chuyên gia, đây là sự kiện quan trọng khẳng định những nỗ lực, quyết tâm của TP.Hà Nội trong việc thay đổi phương pháp xử lý rác thải, đồng thời gỡ những nút thắt đã tồn tại hàng chục năm qua. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công nghệ chôn lấp vệ sinh được sử dụng rộng rãi, thao tác quản lý vận hành đơn giản nhưng chiếm diện tích sử dụng đất lớn. 

Ngoài ra, trong quá trình chôn lấp chất thải rắn sản sinh lượng lớn nước rỉ rác, khí gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Do đó, việc thay thế phương pháp này bằng các phương pháp hiện đại, khai thác tối đa nguồn tài nguyên vô tận là rác thải phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết. Sự cần thiết đó càng trở nên cấp bách hơn khi 2 bãi rác lớn nhất của Thủ đô là Nam Sơn và Xuân Sơn sau hàng chục năm vận hành đã và đang rơi vào tình trạng quá tải, thường xuyên phải đối mặt với việc phải dừng hoạt động do hết chỗ lưu chứa.

SẴN SÀNG HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG THU PHÍ KHÔNG DỪNG

Từ ngày hôm nay 1/8, phương thức thu phí điện tử không dừng (ETC) được áp dụng trên các tuyến cao tốc. Trên báo Hà Nội Mới có bài viết trích dẫn ý kiến Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam - một trong hai đơn vị cung cấp dịch vụ ETC khẳng định sẵn sàng hỗ trợ khách hàng sử dụng thu phí không dừng.

Theo bài viết, một số trường hợp phản ánh không đăng ký dịch vụ nhưng có thông tin đăng ký, chủ yếu do chủ phương tiện cho mượn, thuê xe, người lái xe đăng ký dịch vụ bằng thông tin, số điện thoại của người lái mà chủ phương tiện không nắm được. Đối với các trường hợp kể trên, đơn vị sẽ hỗ trợ chuyển chủ quyền sau khi xác nhận với chủ phương tiện cũ hoặc với người đứng tên đăng ký dịch vụ. Ngoài ra, các chủ phương tiện khi có nhu cầu đăng ký dịch vụ, chuyển đổi chủ quyền có thể liên hệ qua tổng đài 19009080.

AI ĐANG THAO TÚNG GIÁ VÀNG?

Giá vàng thương hiệu SJC vẫn chênh với giá vàng thế giới từ 17 – 20 triệu đồng/ lượng. “Ai đang thao túng giá vàng?” là tiêu đề bài viết trên báo Đại Đoàn Kết. 

Trong khi nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà kinh doanh cho rằng Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã hết “sứ mệnh lịch sử”, cần phải điều chỉnh thì Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định nghị định này phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Từ năm 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.