Điểm báo ngày 14/9: Quản lý phân lô bán nền: Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương

Ì ạch “giải cứu” kênh, rạch; Quản lý phân lô bán nền: Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương; TP Thủ Đức '3 nhập 1’ sau gần 2 năm ra đời: Chờ cơ chế 'đặc thù của đặc thù'; Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tăng hơn 6 nghìn tỷ do chậm trễ tiến độ; Trường đại học ngoài công lập phập phồng lo thiếu chỉ tiêu ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 14/9/2022.

Ì ẠCH “GIẢI CỨU” KÊNH, RẠCH

Từng nhận được nhiều kỳ vọng và có thể thay đổi bộ mặt đô thị nhưng quá trình cải tạo, chỉnh trang hay thậm chí nạo vét các kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua rất chậm chạp. Nhiều kênh rạch ở TPHCM ô nhiễm, bồi đắp gây ngập cục bộ vào mùa mưa. Bài viết đáng chú ý trên báo Đại Đoàn Kết.

Theo bài viết, số dự án cải tạo kênh rạch thực hiện hoàn thành chỉ đếm trên đầu ngón tay và ngược lại, các dự án đang nằm trên giấy lại gấp hàng chục lần. Thống kê cho thấy hiện có tới 25 dự án cải tạo các tuyến kênh rạch quan trọng ở thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu vốn. Trong đó có những dự án được lên kế hoạch từ 20 năm trước nhưng đến nay chưa có chuyển biến gì. Ngoài ra, việc nạo vét, tạo tuyến lưu thông nước thải tự nhiên và môi trường đang là vấn đề nhức nhối của nhiều kênh, rạch do mật độ cư dân cao, ý thức bảo vệ kênh, rạch kém và thường xuyên lấn chiếm, xả thải.

QUẢN LÝ PHÂN LÔ BÁN NỀN: ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP CHO ĐỊA PHƯƠNG

Câu chuyện về công tác quản lý, kiểm soát việc tách thửa, phân lô, bán đất nền là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Trên báo Kinh tế Đô thị có bài viết: "Quản lý phân lô bán nền: Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương".

Qua báo cáo của Bộ Xây dựng, nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk… vẫn còn tình trạng nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm để phân lô, tách thửa, chào bán tràn lan gây mất ổn định cho thị trường bất động sản. Theo một số chuyên gia, việc siết chặt phân lô, tách thửa chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn để kiểm soát tình hình. Không nên lạm dụng mệnh lệnh hành chính trong quản lý Nhà nước. Về lâu dài, ở mỗi địa phương cần thiết phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn rồi công khai để người dân biết. Ngoài ra, nếu lãnh đạo địa phương nào để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền trái phép thì phải xử nghiêm, kỷ luật lãnh đạo lẫn cán bộ địa phương đó.

TP THỦ ĐỨC '3 NHẬP 1’ SAU GẦN 2 NĂM RA ĐỜI: CHỜ CƠ CHẾ 'ĐẶC THÙ CỦA ĐẶC THÙ'

Từ chia tách huyện thành 3 quận, sau đó nhập lại thành một thành phố, TP Thủ Đức (TPHCM) vẫn đang chờ cơ chế đặc thù vượt trội để hiện thực hóa kỳ vọng đóng góp 7% GDP cả nước.

Theo bài viết trên báo Thanh niên, dù đặt kỳ vọng rất lớn nhưng đến nay, TP Thủ Đức chưa có cơ chế gì nổi bật hơn các quận khác bởi thẩm quyền chỉ tương đương đơn vị hành chính cấp huyện, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Lý giải phần nào về tình trạng bất cập này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thành Tùng cho rằng, vào thời điểm khi thành lập TP Thủ Đức, Chính phủ và TPHCM chưa kịp chuẩn bị những cơ chế, chính sách đặc thù một cách kỹ lưỡng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ quyết định thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận mà chưa có cơ chế chính sách cụ thể kèm theo.

ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ NHỔN - GA HÀ NỘI TĂNG HƠN 6 NGHÌN TỶ DO CHẬM TRỄ TIẾN ĐỘ

Còn trên báo Tiền phong có bài viết liên quan đến việc chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí (EOT), dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Theo văn bản của thành phố, Tổng mức đầu tư Dự án tăng thêm 1.916 tỷ đồng, từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác số liệu, các cơ sở pháp lý, các hồ sơ liên quan để đề xuất tổng mức đầu tư điều chỉnh để trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt điều chỉnh, giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh sẽ được thẩm tra, thẩm định để xác định chính xác làm cơ sở cho việc phê duyệt điều chỉnh dự án.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOÀI CÔNG LẬP PHẬP PHỒNG LO THIẾU CHỈ TIÊU

Theo kế hoạch tuyển sinh, trước 17 giờ ngày 17/9, các trường đại học phải công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển đợt 1 năm 2022. Tuy nhiên, nhiều trường dù chưa đến thời hạn công bố đã phải thông báo tuyển sinh đợt tiếp theo bằng phương thức học bạ.

Theo bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại, nhìn vào cục diện tuyển sinh năm nay, trưởng phòng tuyển sinh các trường ngoài công lập nhận định, số thí sinh cũng như số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường không chỉ giảm mà nguy cơ ảo cũng rất cao. Cũng theo bài viết, những lo lắng từ việc hụt chỉ tiêu chủ yếu xuất phát từ đặc thù tuyển sinh (lọc ảo chung tất cả phương thức) trong năm nay. Với các trường ngoài công lập, nguyện vọng xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT chiếm phần lớn nhưng đây lại là phương thức thí sinh dễ bỏ.