Điểm báo ngày 13/4: Mở cửa trường mầm non: Đồng lòng vì học trò

Thần tốc làm 12 Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2; Hà Nội: 15 giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai; Mở cửa trường mầm non: Đồng lòng vì học trò; Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động lọt khỏi lưới an sinh.... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo sáng ngày 13/4/2022.

THẦN TỐC LÀM 12 DỰ ÁN CAO TỐC BẮC - NAM GIAI ĐOẠN 2

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được Quốc hội thông qua với hàng loạt cơ chế đặc thù, mang tính mở để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện cấp bách. Trong 2 tháng qua, đã có hơn 30 chuyến đi khảo sát tuyến, làm việc với địa phương của lãnh đạo Bộ GTVT về dự án này. “Thần tốc làm 12 dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2” là bài viết được đăng trên báo Giao thông.

Với tinh thần làm việc không quản ngày đêm từ cấp lãnh đạo đến cán bộ hiện trường, tính đến nay, công tác khảo sát địa hình, địa chất của 12 dự án thành phần đã cơ bản hoàn thành, giảm một nửa thời gian so với một dự án có quy mô tương tự triển khai theo quy trình thông thường. Theo báo Giao thông, Dù khối lượng công việc lớn, song, đại diện Ban quản lý dự án 6 cho biết, nhờ sự phân giao rõ ràng trách nhiệm của từng Bộ, ngành, nên thời gian trình, phê duyệt hồ sơ đề nghị chuyển đổi đã có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, để được phê duyệt, dự án còn phải trải qua rất nhiều thủ tục, như nhập báo cáo tác động môi trường, khung chính sách giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giám sát đầu tư cộng đồng.

LIỀU THUỐC MẠNH VỚI DỰ ÁN TREO

Tại Kỳ họp thứ tư, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI vừa qua, các đại biểu đã thông qua nhóm 15 giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Nhưng vấn đề vướng mắc hiện nay liên quan đến quy định pháp lý là phải có sự đồng bộ với thực tế để những dự án “treo” được hạ xuống. Bài viết trên báo Kinh tế đô thị.

Theo báo Kinh tế đô thị, liều thuốc mạnh với dự án treo là cần có chế tài phù hợp và kiên quyết. "Tốt nhất nên xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp, như vậy chủ đầu tư sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án. Đồng thời cơ quan chức năng xem xét lại các vấn đề trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực". Bên cạnh đó, một dự án khi được cấp phép trước hết phải tuân thủ quy hoạch, phù hợp với kinh tế địa phương, năng lực nhà đầu tư. Nhưng thời gian qua, việc cấp phép, phê duyệt dự án diễn ra quá dễ dàng, dựa vào quan hệ thân quen, lợi ích nhóm, vì vậy thiếu đi công tác thanh tra, kiểm tra năng lực nhà đầu tư.

MỞ CỬA TRƯỜNG MẦM NON: ĐỒNG LÒNG VÌ HỌC TRÒ

Hôm nay, toàn bộ trẻ mầm non Hà Nội đã chính thức được trở lại trường. Nhiều tỉnh thành cuối cùng của cả nước cũng đã công bố lịch đón trẻ mầm non đi học lại sau thời gian nghỉ dịch. “Mở cửa trường mầm non: Đồng lòng vì học trò” là bài viết được đăng trên báo Giáo dục và Thời đại số ra sáng nay.

Qua khảo sát cho thấy, có hơn 80% phụ huynh đồng ý phương án cho trẻ tới trường học trực tiếp. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều băn khoăn. Theo báo Giáo dục và Thời đại, trong thời gian nghỉ dịch, giáo viên không có thu nhập nên có một bộ phận chuyển sang làm nghề khác. Các cô kiên trì bám nghề thì nguồn thu không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình. Mong muốn lớn nhất của nhiều giáo viên là tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để các hoạt động giáo dục trên lớp không bị ngắt quãng. Lãnh đạo các cấp cũng cần có phương án linh hoạt để tránh tình trạng các trường tư thục dù đầu tư rất nhiều trang thiết bị nhưng phải đóng cửa, trong khi nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh lại lớn.

NHẬN BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN: NGƯỜI LAO ĐỘNG “LỌT” KHỎI “LƯỚI AN SINH”

Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trong những tháng đầu năm 2022, cơ quan BHXH đã giải quyết hưởng BHXH một lần cho trên 208.000 người. Đây là một thực tế đáng lo ngại. Nội dung này được Thời báo Tài chính Việt Nam đề cập đến trong nhiều kỳ.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, Số tiền khi nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần sẽ giúp người lao động giải quyết được khó khăn trước mắt, nhưng kéo theo đó, họ đã tự đưa mình “lọt” khỏi “lưới an sinh” mà Nhà nước đã “dệt” nên, tự đưa mình đến gần những thiệt thòi không thể bù đắp được. Đây là thực tế đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia, khi mà những năm tới dân số nước ta đang bắt đầu già hóa. Phân tích cũng cho thấy, số tiền khi người lao động nhận BHXH một lần sẽ được ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Trước thực trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị, người lao động cần cân nhắc kỹ “được” và “mất”.

Hoàng Hương