Điểm báo ngày 10/11: Bệnh viện Bạch Mai dừng tự chủ toàn diện: Người bệnh lợi hay thiệt?

Bệnh viện Bạch Mai dừng tự chủ toàn diện: Người bệnh lợi hay thiệt?; 11 trường đại học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng châu Á; Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy: "Bỏ càng sớm càng tốt"!; Xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 55 tỷ USD: Sức bật của những “tân binh”; Cần cơ chế cho bảo vật hồi hương ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo ngày 10/11/2022.

BỆNH VIỆN BẠCH MAI DỪNG TỰ CHỦ TOÀN DIỆN: NGƯỜI BỆNH LỢI HAY THIỆT?

Bệnh viện Bạch Mai dừng tự chủ toàn diện: người bệnh lợi hay thiệt? Tiêu đề bài viết đáng chú trên báo Lao động.

Theo bài viết, BV Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, hơn 90% là bệnh nhân có BHYT. Đối tượng này là đối tượng người nghèo, chính sách, vùng sâu vùng xa, người có công với cách mạng… Nếu để tự chủ toàn diện, tính đúng, tính đủ thu của người bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến những đối tượng này. Do đó, nếu được nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa mua sắm các thiết bị thì chi phí khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh giảm. Cũng theo bài viết, không chỉ Bạch Mai, những bệnh viện tuyến cuối khác như Việt Đức, Chợ Rẫy... cũng phải là những bệnh viện làm công tác an sinh xã hội là chính. Do vậy, dù tự chủ thuộc nhóm nào thì vẫn phải nên đầu tư cho những bệnh viện này.

11 TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM CÓ TÊN TRONG BẢNG XẾP HẠNG CHÂU Á

Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) vừa công bố kết quả xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á năm 2023. Việt Nam có 11 đại diện góp mặt ở lần công bố này.

Theo bài viết trên báo Tiền phong, trong 11 đại diện góp mặt, dẫn đầu là Trường ĐH Tôn Đức Thắng đạt 34,1 điểm xếp vị trí 138, tăng 4 bậc so với vị trí 142 của năm ngoái. Trường này cũng xếp hạng 29 ở khu vực Đông Nam Á. Kế tiếp là Trường ĐH Duy Tân đạt 33,2 điểm, xếp vị trí 145, tăng 65 bậc so với vị trí 210 của năm ngoái và xếp hạng 23 ở khu vực Đông Nam Á. ĐHQG Hà Nội đạt 30,1 điểm, xếp vị trí thứ 162. ĐHQG TPHCM đạt 29,7 điểm xếp vị trí 167.

ĐỀ XUẤT BỎ BẢO HIỂM BẮT BUỘC VỚI XE MÁY: "BỎ CÀNG SỚM CÀNG TỐT"!

Việc VCCI đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy - vì cho rằng việc này không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội khi tỷ lệ chi trả quá thấp - đang nhận được sự đồng lòng, tán thưởng của đại đa số người dân. Bài viết trên báo điện tử Dân trí.

Theo VCCI, sau hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (tương đương 45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Chia sẻ của một số người dân cho rằng, nên bỏ ngay bảo hiểm xe máy vì chẳng đem lại lợi ích gì cho người mua mà chỉ làm lợi cho công ty bảo hiểm.

XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN CÓ THỂ ĐẠT 55 TỶ USD: SỨC BẬT CỦA NHỮNG “TÂN BINH”

Tưởng rằng năm 2022 sẽ đầy gian khó khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm nay tiếp tục lập kỷ lục với sự trở lại đường đua tỷ đô của nhiều nhóm hàng.

Theo bài viết trên báo Nông thôn ngày nay, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, dù thị trường thế giới biến động khó lường nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam khá thuận lợi, thị trường ngày càng đa dạng. Với những diễn biến thị trường như hiện nay chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ đạt và vượt chỉ tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản mà Chính phủ giao, có thể chạm mốc 50 - 55 tỷ USD”. Kết quả xuất khẩu ấn tượng trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều khó khăn là nhờ các ngành chức năng đã nỗ lực cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ nông sản.

CẦN CƠ CHẾ CHO BẢO VẬT HỒI HƯƠNG

Gần đây dư luận xã hội nói chung và giới nghiên cứu văn hóa, bảo tồn di sảnnói riêng rất quan tâm đến việc một số cổ vật triều Nguyễn được thông báo bán đấu giá tại Pháp. Trên báo Tuổi trẻ có bài viết về nội dung này

Thời gian qua đã có những nhà sưu tầm "hồi hương" được một số cổ vật, tác phẩm hội họa của Việt Nam. Tuy nhiên, với các cổ vật như ấn vàng, bát vàng thuộc triều Nguyễn thì việc "hồi hương" dù có ý nghĩa rất quan trọng vì giá trị nhiều mặt của chúng nhưng thực tế rất khó khăn thậm chí bất khả thi. Thiết nghĩ, đã đến lúc Nhà nước cần lập Quỹ di sản văn hóa dành cho việc mua cổ vật từ nước ngoài và cả ở trong nước. Nguồn quỹ này từ ngân sách nhà nước là chủ yếu, có thể có sự đóng góp của xã hội với mục tiêu mua lại cổ vật, bảo vật và lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng công lập.