Điểm báo: Làm gì để "cứu" thị trường bất động sản

Ngân hàng lo phương kế giảm bớt “tác hại” của cuộc đua lãi suất; Giải pháp tăng quyền cho phụ nữ, trẻ em gái; Làm gì để "cứu" thị trường bất động sản; Phát triển kinh tế tuần hoàn từ những việc nhỏ mang lại lợi ích lớn... là những tin tức đáng chú ý trên các báo sáng ngày 21/11.

NGÂN HÀNG LO PHƯƠNG KẾ GIẢM BỚT "TÁC HẠI" CỦA CUỘC ĐUA LÃI SUẤT

Trong bối cảnh chịu áp lực thu hẹp khoảng cách lãi suất đầu vào - đầu ra, các ngân hàng buộc phải tìm đến giải pháp tiết giảm chi phí, trong đó việc đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ thanh toán đang là một trong những “chiếc phao” được ngân hàng đặt nhiều kỳ vọng. Việc này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là một trong những cách để các ngân hàng bù lại biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc gia tăng dịch vụ thanh toán cũng giúp các ngân hàng tăng tỷ lệ vốn từ tiền gửi không kỳ hạn và điều này cũng giúp cho nhiều ngân hàng tăng tỷ lệ thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và thách thức từ xu hướng tội phạm công nghệ cao.

GIẢI PHÁP TĂNG QUYỀN CHO PHỤ NỮ, TRẺ EM GÁI
Trên trang nhất báo Tông thôn Ngày Nay số ra sáng nay có bài viết giải pháp nào tăng quyền cho phụ nữ, trẻ em gái. Cụ thể theo bài viết đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái là một trong những giải pháp thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, số lao động nữ có việc làm gần 25,3 triệu người, chiếm 47,2% tổng số lao động có việc làm cả nước. Việc làm của lao động nữ mặc dù có sự dịch chuyển tích cực giữa các nhóm nghề nghiệp, tuy nhiên lao động nữ vẫn chiếm tỷ trọng cao ở những nghề “lao động giản đơn”, “nhân viên dịch vụ và bán hàng”. Các chuyên gia chia sẻ, Việt Nam cần phải phát triển hơn nữa văn hóa tôn trọng và bình đẳng giữa tất cả các giới trong mọi không gian. Đồng thời kêu gọi sự cam kết và tham gia tích cực hơn nữa từ các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt là mọi người cần mạnh mẽ góp tiếng nói trước những hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

LÀM GÌ ĐỂ "CỨU" THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN?

Làm gì để cứu thị trường bất động sản? Trong bối cảnh mới, sau thời gian ngưng trệ vì đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản (BĐS) như chiếc lò xo bị nén sẽ bật tăng trở lại. Nhưng thực tế lại không phục hồi, tăng trưởng đúng theo kỳ vọng mà ngược lại, đang có dấu hiệu“đứng hình”vì những vấn đề liên quan đến pháp lý, nguồn vốn. Vậy đâu là giải pháp để“cứu” thị trường BĐS trong bối cảnh hiện nay?. Nhiều kiến nghị và đưa giải pháp góp ý từ các chuyên gia, DN đầu tư kinh doanh BĐS liên quan đến vấn đề này được đăng tải cụ thể trên báo Kinh tế và đô thị số ra đầu tuần sáng nay.

Cụ thể, những vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn đang kìm hãm sự phát triển. Các chủ đầu tư đang rất sẵn sàng để kích hoạt dự án nhưng do còn nhiều rào cản pháp lý nên các địa phương còn chần chừ trong việc phê duyệt. Nguồn cung chưa vào được thị trường chứ không phải không còn. Nguồn cung bất động sản chỉ trực chờ bùng nổ khi khó khăn pháp lý được tháo gỡ. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện các giải pháp theo hướng gia tăng vai trò thuế, phí bất động sản trở thành công cụ điều tiết thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm thiểu can thiệp hành chính. Xem xét việc xây dựng chính sách giá đất thấp, hoàn thiện dần thuế tàisản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Cân nhắc điều chỉnh mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; đồng bộ hóa chính sách thuế, phí BĐS gắn với thuế, phí đất đai...

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN TỪ NHỮNG VIỆC NHỎ MANG LẠI LỢI ÍCH LỚN 

Những năm gần đây, khái niệm “kinh tế tuần hoàn” thường được nhắc đến và là một xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang thực hiện kinh tế tuần hoàn từ những việc nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn.

Kinh tế tuần hoàn đó là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chấp nhận ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tổ chức sản xuất theo hướng biến đổi khí hậu rồi từng bước cân bằng lại môi trường. Đó là sản xuất theo chuỗi để sản phẩm này là kết quả từ phụ phẩm của sản phẩm trước đó…. Và kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bền vững. Xu thế này không chỉ tạo ra những cơ hội làm ăn mới và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng vốn khá dễ đứt gãy như hiện nay mà còn mang lại hiệu quả vượt trội về lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đây được xem là công cụ, cách tiếp cận để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.