Điểm báo: Khách hàng bị lừa "cú này sang cú khác" khi mua bảo hiểm bán qua ngân hàng

Đến hẹn lại nóng tuyển sinh đầu cấp; Bảo hiểm bán qua ngân hàng: Khách bị lừa “cú này sang cú khác”; Cảnh giác những hội nhóm “làm liều”; Doanh nghiệp đồng loạt xin giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ;... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 28/2.

ĐẾN HẸN LẠI NÓNG TUYỂN SINH ĐẦU CẤP (BÁO KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)

Nhiều ngày qua, câu chuyện tuyển sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) tại Hà Nội tiếp tục là chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Một trong những yếu tố nhiều người nhắc đến là tâm lý sốt sắng của phụ huynh. Thông tin bài viết đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Hệ thống trường lớp không theo kịp tốc độ tăng dân số là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hiện tượng nóng rẫy trước mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội. Vẫn biết, Trường THPT công lập không phải con đường duy nhất để học tiếp kiến thức THPT nhưng các bậc phụ huynh vẫn chạy đua, đặt ra những mục tiêu và làm mọi cách để tăng cơ hội đỗ cho con như: Đăng ký học thêm, luyện thi, thi thử... Cùng với đó, phụ huynh tìm hiểu, đăng ký nguyện vọng dự phòng vào các trường tư cho con và luôn lo lắng “chậm là hết”,“muộn là thiệt”, điều này dẫn đến hiện tượng xếp hàng, chen chân mua hồ sơ để giữ chỗ. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, phụ huynh cần bình tĩnh trong chọn lọc thông tin tuyển sinh, căn cứ vào thực tiễn trải nghiệm, điều kiện gia đình, học lực và nguyện vọng của con cái làm tiêu chí chọn trường...; những điều đó góp phần giữ ổn định công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội.

BẢO HIỂM BÁN QUA NGÂN HÀNG: KHÁCH BỊ LỪA “CÚ NÀY SANG CÚ KHÁC” (NÔNG THÔN NGÀY NAY)

Tình trạng khách hàng đến ngân hàng để gửi tiết kiệm nhưng bị nhân viên tư vấn mập mờ để dẫn dụ sang sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, hay như việc muốn vay vốn phải mua bảo hiểm... diễn ra liên tục trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận.

Theo phản ánh, một số khách hàng đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị tư vấn viên chuyển sang mua gói bảo hiểm. Các khách hàng này cho biết trong quá trình tư vấn, nhân viên ngân hàng tư vấn lập lờ, không nói rõ đây là hợp đồng bảo hiểm mà nói là sản phẩm đầu tư do ngân hàng kết hợp với Công ty Bảo hiểm có lãi khoảng 10%/năm. Không chỉ gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng bị nhân viên ngân hàng “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng “ép” khách hàng đi gửi tiết kiệm mua bảo hiểm mới được vay vốn. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng khẳng định: Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu rất rõ trong quá trình bán bảo hiểm phải tư vấn một cách chính xác, thông tin phải đầy đủ, giới thiệu sản phẩm rõ ràng, lợi ích ra sao. Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng nghiêm cấm việc cưỡng ép bán bảo hiểm nếu khách hàng không tự nguyện.
 
CẢNH GIÁC NHỮNG HỘI NHÓM “LÀM LIỀU” (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Theo thông tin bài viết đăng tải trên báo Đại đoàn kết, hiện nay, nhan nhản trên mạng xã hội, hàng nghìn người tham gia, thường xuyên đăng tải và chia sẻ những thông tin tiêu cực, thậm chí dạy nhau “làm liều”... Đó là cách những hội nhóm lệch lạc này đang hoạt động.

Theo các chuyên gia, Nguyên nhân các nhóm độc hại xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội một phần do sự phát triển nền kinh tế số, những thể chế về mặt pháp luật giám sát chưa chặt nên một bộ phận có ý thức xã hội kém, thiếu hiểu biết pháp luật đã lợi dụng tâm lí để tạo ra các nhóm độc hại này. Những hội nhóm lệch lạc, độc hại xuất hiện rất nhiều trên Facebook và thu hút một lượng rất lớn các thành viên tham gia. Đồng thời hiện nay còn phát triển thêm nhiều nhóm nhỏ khác. “Chiến thuật “bước một chân vào cánh cửa” được các hội nhóm này sử dụng kết hợp cùng tâm lí đám đông đã thao túng tâm lí của nhiều nạn nhân đang trong trạng thái tiêu cực, bất ổn, đang gặp vấn đề,... dẫn đến những hậu quả đáng buồn. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời không nên tham gia vào các hội nhóm này để tránh rơi vào bẫy tâm lí.

DOANH NGHIỆP ĐỒNG LOẠT XIN GIÃN, HOÃN, GIỮ NGUYÊN NHÓM NỢ (THANH NIÊN)

Giao dịch đóng băng, ngân hàng siết tín dụng, chứng khoán liên tục đỏ sàn, trong khi phải gom một lượng lớn tiền mặt để mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Điều này đã khiến hầu hết các doanh nghiệp kiệt sức. Để tồn tại, doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ để không bị nhảy nhóm thành nợ xấu.

Nhiều doanh nghiệp đã nhiều lần có tâm thư về việc kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn 2 - 3 năm và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10 - 20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu. Thực tế, Chính phủ đã có dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn trong đó đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...). Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.