Điểm báo: Đề xuất giảm 10-30% phí sử dụng đường bộ

Đề xuất giảm 10-30% phí sử dụng đường bộ; Thận trọng trên lộ trình ngân hàng số; Gỡ vướng trái phiếu doanh nghiệp - cách nào?; Thấp thỏm với giá lợn hơi; Việt Nam có thêm 2 di sản được ghi danh là tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 28/11/2022.

ĐỀ XUẤT GIẢM 10-30% PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất giảm 10-30% phí sử dụng đường bộ trong năm 2023. Thông tin mới đây được đăng tải trên báo điện tử Vnxpress

Trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định mức thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện, Bộ Tài chính đề nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ với xe kinh doanh vận tải hành khách và 10% với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Thời gian giảm phí là 6 tháng kể từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành, dự kiến áp dụng trong năm 2023. Đề xuất nếu được Chính phủ thông qua sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải, giảm giá thành vận chuyển, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cũng như giá hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, ước tính ngân sách năm 2023 sẽ giảm khoảng 390 tỷ đồng.

THẬN TRỌNG TRÊN LỘ TRÌNH NGÂN HÀNG SỐ

Việc thành lập ngân hàng số phải phục vụ cho mục tiêu tài chính toàn diện, khắc phục những vấn đề đang bất cập của hoạt động thanh toán. Đó là quan điểm từ phía cơ quan chức năng để hoạt động này phục vụ người dân thực sự có hiệu quả và phù hợp bối cảnh của Việt Nam hiện nay.

Bài viết trên báo lao động trích dẫn ý kiến của ông Lê Anh Dũng Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nhận định, chúng ta đang ở giai đoạn tái cơ cấu hoạt động ngân hàng đến năm 2025, trong đó có giải pháp nghiên cứu, rà soát các luật liên quan và nghiên cứu mô hình ngân hàng số do đó vẫn phải tạo thuận lợi cho ngân hàng truyền thống để số hoá các hoạt động nghiệp vụ. Trong dài hạn, việc cấp phép ngân hàng số phải được tiến hành thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn của Việt Nam và xu hướng quốc tế, kết hợp rà soát các luật liên quan gắn với đề án tái cơ cấu hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.

GỠ VƯỚNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP - CÁCH NÀO?

Gỡ vướng trái phiếu doanh nghiệp - cách nào? Là tiêu đề bài viết đáng chú ý trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Theo bài viết, cơ quan quản lý và các doạnh nghiệp đồng tình rằng, tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm hoàn trả nợ trái phiếu đến hạn cho các nhà đầu tư. Doanh nghiệp phải chủ động xoay xở tất cả các kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền về mà thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, Điều doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ bằng việc giải quyết hồ sơ pháp lý cho các dự án. Đặc biệt là các dự án BĐS có thể giải quyết nhanh nhằm thu hồi vốn, thực hiện việc trả nợ trái phiếu cho nhà đầu tư đúng hạn.

THẤP THỎM VỚI GIÁ LỢN HƠI

Nhiều tháng qua, giá các sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, gia cầm liên tục có chiều hướng giảm, đặc biệt giá lợn hơi đang ở mức dưới giá thành. Điều này khác hẳn với quy luật bình thường, bởi những tháng cuối năm thường thị trường lẽ ra phải sôi động. Bài viết phản ánh trên báo nông thôn ngày nay.

Theo bài viết, bình thường, tầm từ tháng 11 dương lịch hàng năm là thịt lợn, thịt gà bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá, do nhu cầu tiêu thụ tăng để phục vụ chế biến các mặt hàng tết. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ khá ảm đạm, giá lợn hơi duy trì mức thấp khiến bà con chăn nuôi cũng không dám đầu tư mạnh tay cho lứa hàng cuối năm. Một số chuyên gia nhận định, do sản lượng thịt lợn dồi dào, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm nên dẫn đến giá lợn hơi liên tục giảm. Điều này khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh thua lỗ trong chính mùa cao điểm.

VIỆT NAM CÓ THÊM 2 DI SẢN ĐƯỢC GHI DANH LÀ TƯ LIỆU KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Việt Nam có thêm 2 di sản được ghi danh là tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thông tin đáng chú ý được đăng tải trên báo điện tử VOV

Hai di sản 'Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng' và 'Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)' được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm gồm 78 bia ma nhai. Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay gồm 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng.