Điểm báo: Chặn “những binh đoàn” xe quá tải

Chặn “những binh đoàn” xe quá tải; Trang bị năng lực số cho sinh viên: Mở cơ hội trong đào tạo và tự đào tạo; Thị trường trầm lắng, môi giới bất động sản đóng cửa hàng loạt; Sửa Nghị định 95 kinh doanh xăng dầu: Làm rõ những quy định bất hợp lý ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo ngày 20/11/2022.

CHẶN “NHỮNG BINH ĐOÀN” XE QUÁ TẢI

Chỉ hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, cũng là “mùa xây dựng” với lượng xe chở vật liệu quá tải xuất hiện nhiều hơn; đây được ví như "hung thần xa lộ". Những chiếc xe tải phóng nhanh vượt ẩu, rơi vãi vật liệu, phế thải xây dựng khiến người dân bức xúc. Đáng mừng là so với mọi năm, năm nay số “hung thần” lưu thông trên đường đã giảm trước sự cứng rắn của Cảnh sát và Thanh tra giao thông. Thông tin bài viết đăng tải trên báo Đại Đoàn kết số ra cuối tuần hôm nay.

Trong thời gian 3 tháng thực hiện đợt cao điểm xử lý xe quá tải Công an TP Hà Nội đã xử lý hơn 3.233 trường hợp vi phạm về cơi nới thành thùng và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; 586 trường hợp phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép; phạt tiền hơn 11 tỷ đồng; tước 814 giấy phép lái xe; tước kiểm định, phù hiệu gần 300 trường hợp; cưỡng chế tháo, cắt 783 thùng xe... Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó chú trọng vừa kiên quyết xử lý, vừa kiên trì thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để chủ doanh nghiệp và lái xe nắm rõ những quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý đối với tất cả các trường hợp chở hàng quá tải trọng, tự thay đổi kích cỡ thành, thùng xe. Đến nay lượng xe vi phạm chở quá tải đã giảm rõ rệt, hiện hầu hết chỉ vượt tải trọng khoảng 10%. Đặc biệt, trên địa bàn không còn tình trạng xe cơi nới thành thùng. 

TRANG BỊ NĂNG LỰC SỐ CHO SINH VIÊN: MỞ CƠ HỘI TRONG ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO

Thực tế cho thấy, nhiều hoạt động giáo dục đại học được triển khai thông qua công nghệ và nền tảng số. Điều này mở ra không ít cơ hội đối với sinh viên trong quá trình đào tạo và tự đào tạo. 

Nguồn nhân lực số là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số, các chuyên gia nhấn mạnh đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số có vai trò quan trọng đối với cơ sở giáo dục đại học. Do vậy, cần xây dựng chính sách, cơ chế để năng lực số được coi trọng đúng mức, tích hợp vào nội dung chương trình đào tạo, trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc của chuẩn đầu ra đối với sinh viên. Các cơ sở đào tạo có thể lồng ghép chính sách về phát triển năng lực số cho sinh viên vào khuôn khổ chính sách về giáo dục, đào tạo của Bộ GD&ĐT hoặc chính sách công nghệ thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đòi hỏi về hạ tầng công nghệ, thiết bị, phần mềm giảng dạy và học tập, đòi hỏi cán bộ quản lý, giảng viên; đặc biệt là người học cần có tư duy thích ứng và chấp nhận những thay đổi của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo. Đồng thời, biết cách ứng dụng công nghệ vào thực tiễn một cách phù hợp.

THỊ TRƯỜNG TRẦM LẮNG, MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN ĐÓNG CỬA HÀNG LOẠT

Trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 doanh nghiệp, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái… 

Nhận định về thị trường, các chuyên gia cho hay thanh khoản giảm sâu, ngân hàng tăng lãi suất, nhà đầu tư thiếu niềm tin đã khiến môi giới “liêu xiêu”, chật vật trước sóng gió của thị trường. Các biến cố, hay những lùm xùm xảy ra tại các doanh nghiệp bất động sản lớn đã khiến nhà đầu tư chùn tay, thanh khoản cũng lao dốc theo. Bên cạnh đó, những chiến dịch xử lý sai phạm được tăng cường cũng là lúc nhiều doanh nghiệp sẽ rời khỏi thị trường. Trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu còn nhiều rủi ro, biến động thì lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao. Các chuyên gia kiến nghị các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, góp phần khôi phục thị trường theo hướng tích cực. Tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án, xây dựng các cơ chế theo hướng mở, phù hợp với tình hình hiện nay… cần xây dựng giải pháp mở rộng, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường.

SỬA NGHỊ ĐỊNH 95 KINH DOANH XĂNG DẦU: LÀM RÕ NHỮNG QUY ĐỊNH BẤT HỢP LÝ

Những quy định về chu kỳ điều hành giá, chi phí lợi nhuận định mức, mức chiết khấu, quy định lấy xăng dầu từ 1 hay nhiều đầu mối… cần được xem xét trong quá trình sửa Nghị định 95. Thông tin bài viết được đăng tải trên báo VOV. 

Cụ thể, theo bài viết, Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã chỉ ra bất cập, cho rằng công thức tính giá cơ sở bị đóng khung và tự làm khó cơ quan quản lý khi quy định chi phí xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam 6 tháng mới điều chỉnh một lần, do đó cần thay đổi theo hướng mỗi tháng điều chỉnh 1 lần; Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, nay cần đổi 1 tháng 1 lần. Liên quan đến chu kỳ điều hành xăng dầu, đại diện 1 DN kinh doanh xăng dầu khu vực Hà Nội góp ý, do xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày lại liên tục chịu biến động của giá thế giới… nếu ấn định thời gian cụ thể cho chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu càng ngắn sẽ không có cơ quan nào theo kịp với diễn biến của thị trường. Do đó, cơ quan điều hành nên quy định chu kỳ trong một thời gian, nhưng để các DN tự vận hành trong khuôn khổ nhất định, cũng như ấn định mức giá trần sẽ hợp lý hơn.

Ngô Trang