Điểm báo 9/8: Học phí đại học tăng kịch trần - áp lực dồn lên vai sinh viên

Bịt lỗ hổng trong đấu thầu: Giám sát để tăng minh bạch; Triển khai tinh giản biên chế - nhìn từ TP.HCM: Cán bộ cơ sở mệt nhoài; Lại thêm áp lực, tỉnh táo khi biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang được đẩy giá lên cao; Tư duy mới, tăng quảng bá để đón khách quốc tế; Học phí đại học tăng kịch trần: Áp lực dồn lên vai sinh viên,... là những tin nổi bật có trong điểm báo ngày 9/8.

BỊT LỖ HỔNG TRONG ĐẤU THẦU: GIÁM SÁT ĐỂ TĂNG MINH BẠCH

Sau gần 9 năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu 2013 được đánh giá đã có rất nhiều bước tiến. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, một số nội dung cần sửa đổi để phù hợp với thực tế. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu phát sinh một số vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện luật này. Theo đó, quá trình triển khai thi hành luật đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được luật quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Một số luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu. 

Bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, điển hình như khâu thẩm định, hình thức “Chỉ định thầu” đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa…Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) Trần Hào Hùng cho biết, tại kỳ họp tháng 10/2022 sẽ trình Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đầu tiên ra Quốc hội, tới kỳ họp tiếp theo (năm 2023) sẽ thông qua lần cuối.

TRIỂN KHAI TINH GIẢN BIÊN CHẾ - NHÌN TỪ TP.HCM: CÁN BỘ CƠ SỞ MỆT NHOÀI, LẠI THÊM ÁP LỰC

Gần đây, áp lực trong công việc của cán bộ cấp phường, xã đông dân ở TP.HCM được khơi lại, bàn bạc nhiều hơn khi TP.HCM bị phê bình vì “dôi dư” 5.700 biên chế. Trong khi thực tế, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở TP.HCM đang cố gắng xoay xở để có thể hoàn thành “núi” công việc. Bài viết đáng chú ý trên báo Nông thôn Ngày nay.

Theo bài viết, dân số quận Bình Tân hiện vào khoảng 800.000 người nhưng cũng chỉ có 10 đơn vị hành chính cấp phường để quản lý với số lượng cán bộ, công chức hạn chế, dẫn đến quá tải công việc, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng cho biết, quận đã nghiên cứu việc chia tách đơn vị hành chính cấp phường và chia tách đơn vị cấp khu phố nhằm giảm áp lực cho quản lý nhà nước ở cơ sở. Dù vậy, địa phương chưa đủ tiêu chí để đề xuất giải pháp này. Hầu hết lãnh đạo các phường, xã đông dân trên địa bàn TP.HCM đều kiến nghị cần có cơ chế riêng.

TỈNH TÁO KHI BIỆT THỰ, NHÀ LIỀN KỀ BỎ HOANG ĐƯỢC ĐẨY GIÁ LÊN CAO

Dù bỏ hoang nhiều năm, thậm chí có những căn biệt thự tại Hà Nội đã xuống cấp sau nhiều năm xây dựng, tuy nhiên, khi hỏi mua thì được các chủ nhân, "cò đất" hét giá khủng khiếp khiến nhiều người phải lắc đầu. Phản ánh vấn đề này trên báo Lao Động có bài viết: “Tỉnh táo khi biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang được đẩy giá lên cao”. 

Giá bất động sản tại một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây bất ngờ tăng giá chóng mặt. Một số khu đô thị phía Tây Hà Nội có mức giá tăng vọt, trung bình từ 20 - 30%/năm, thậm chí có những căn đã tăng gấp 2 lần sau chưa đầy 2 năm. Điều ngạc nhiên là dù được hưởng lợi từ hạ tầng và có mức giá tăng cao nhưng các khu đô thị này vẫn la liệt biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang không người ở, rêu mốc mọc xung quanh. Trước thực trạng này, các chuyên gia cảnh báo, thời gian qua thị trường biệt thự, liền kề đang có hiện tượng bị đẩy giá, do cầu lớn, hàng khan. Việc này đã tạo cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường vì vậy nhà đầu tư cần tỉnh táo.

TƯ DUY MỚI, TĂNG QUẢNG BÁ ĐỂ ĐÓN KHÁCH QUỐC TẾ

Chuyển sang một số thông tin liên quan đến ngành du lịch, trên báo Sài Gòn Giải phóng mới đây có bài viết đáng chú ý với tiêu đề: “Tư duy mới, tăng quảng bá để đón khách quốc tế”.

Hiện tại, các thị trường truyền thống đã trở lại, tuy vậy, gánh nặng quá tải luôn thường trực ở các điểm đến trọng điểm của cả nước. Theo đại diện một số công ty lữ hành, tình trạng quá tải du lịch đã và đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các thị trường quốc tế. Đối với du lịch nước ta, nếu chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi du lịch Việt Nam. Do đó, ngành du lịch cần có kế hoạch tập trung đẩy mạnh các chương trình, sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thương hiệu du lịch nước ta tại các thị trường du lịch quốc tế có tiềm năng.

HỌC PHÍ ĐẠI HỌC TĂNG KỊCH TRẦN: ÁP LỰC DỒN LÊN VAI SINH VIÊN

Dù lộ trình tăng học phí đã được báo trước từ năm 2020 nhưng sau hai năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, học phí được các trường áp dụng từ năm nay vẫn là một gánh nặng rất lớn đối với sinh viên, nhất là đối với các trường được tự chủ tài chính. Bài viết trên báo Tiền phong.

Trong đề án tuyển sinh năm 2022, học phí của nhiều trường đại học tăng từ 30 - 70%. Với nghị định mới của Chính phủ về học phí, các trường đại học tự chủ được phép thu tối đa gấp từ 2 - 2,5 lần trường chưa tự chủ. Có điều, dù sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phần lớn các trường đều tăng học phí kịch trần. Theo một số chuyên gia nhận định: Nghịch lý tại Việt Nam hiện nay là nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến một nền giáo dục đại học được xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học. Chưa có một nền giáo dục đại học nào thành công theo mô hình tự túc.