Điểm báo 8/4: Nhận diện 20 hình thức lừa đảo công nghệ cao

Dịch vụ đọc trộm tin nhắn và nguy cơ lừa đảo; Cải tạo chung cư xuống cấp ở TP HCM: Bảo đảm quyền lợi người dân; Cảnh báo nguy hại chết người từ thuốc lá điện tử; Nhận diện 20 hình thức lừa đảo công nghệ cao; Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 8/4.

DỊCH VỤ ĐỌC TRỘM TIN NHẮN VÀ NGUY CƠ LỪA ĐẢO (KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)

Trên trang nhất báo kinh tế và đô thị số ra ngày hôm nay có bài viết, các dịch vụ theo dõi điện thoại, đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội được quảng cáo với mức giá vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng thực chất chỉ là chiêu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), hành vi đọc trộm tin nhắn, tài khoản mạng xã hội là vi phạm pháp luật với cả bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ, vì xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Khả năng cao đây là các trường hợp lừa đảo, người dùng mạng cần tỉnh táo để không mù quáng rơi vào bẫy của đối tượng xấu. Khi thực hiện các hành vi lừa đảo qua mạng, các đối tượng thường sử dụng tài khoản ảo, sim rác, do đó các thông tin liên hệ đều không xác thực. Rất khó để lấy lại được tiền khi bị lừa đảo trực tuyến. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng tùy mức độ, hậu quả xảy ra. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác với mức phạt tù lên đến 3 năm.

CẢI TẠO CHUNG CƯ XUỐNG CẤP Ở TPHCM: BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI NGƯỜI DÂN (BÁO GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI)

 Hiện nay tại TPHCM, nhiều chung cư có hạn mức sử dụng và chung cư vĩnh viễn đều đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Những chung cư này không được tu sửa, cải tạo kịp thời, nguy cơ xảy ra tai nạn, sập lún ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng và sức khỏe người dân.

Đến nay công tác di dời người dân khỏi các chung cư nguy hiểm và tạm cư tại các khu tái định cư, nhà ở xã hội gặp không ít khó khăn, chưa nhận được nhiều đồng thuận từ cộng đồng cư dân. Nguyên nhân vì quá trình đối thoại giữa người dân và chính quyền xoay quanh phương án di dời, thời gian tạm cư, chính sách hỗ trợ trong khi chờ công trình hoàn thiện chưa được cụ thể, xuyên suốt. Để giải quyết tình trạng khó khăn trong việc di dời khỏi các chung cư xuống cấp cũng như giảm tải áp lực đối với các quỹ nhà tạm, nhiều chuyên gia khuyến khích sử dụng các khu nhà tái định cư trên địa bàn nhằmtối ưu hiệu quả, tránh gây lãng phí.

CẢNH BÁO NGUY HẠI CHẾT NGƯỜI TỪ THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Trên trang nhất báo Đại đoàn kết có bài viết liên quan đến các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện nay. Theo đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã và đang tràn lan trên thị trường, cùng với đó, tỷ lệ sử dụng những sản phẩm này, đặc biệt trong giới trẻ đang gia tăng rất nhanh. Thời gian qua, ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy có nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên, thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, ma túy tổng hợp.

Phân tích các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang mở màn cho trào lưu gây ra những bệnh ngộ độc mới, với hàm lượng nicotin rất cao so với thuốc lá truyền thống nên nguy cơ ngộ độc cũng cao hơn. Bên cạnh đó, trong thuốc lá điện tử có nhiều thành phần khác là hóa chất, khi đốt cháy, nung nóng có thể tạo ra hàng chục chất, có thể gây ra những căn bệnh mới nổi liên quan đến tổn thương phổi, đường hô hấp, tim mạch, tâm thần... Nhóm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5% và tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng ở mức đáng báo động. Bất chấp những nguy hại mà thuốc lá điện tử mạng lại, những sản phẩm này vẫn đang được quảng cáo, bày bán khá phổ biến trên mạng xã hội. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, các trang mạng xã hội. Trong khi đó, hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

NHẬN DIỆN 20 HÌNH THỨC LỪA ĐẢO CÔNG NGHỆ CAO (VNECONOMY)

Trong thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội, qua điện thoại...

Cụ thể các đối tượng có thể Giả danh cơ quan pháp luật, giả danh nhân viên ngân hàng, giả là người nước ngoài để yêu cầu người dân cung cấp thông tin rồi chiếm đoạt tài khoản. Mạo danh bảo hiểm xã hội thông báo nạn nhân đang nợ tiền hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu nạn nhân đóng phí để chiếm đoạt. Một trong những hình thức lừa đảo khá phổ biến hiện nay là hack facebook, zalo,... Chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản facebook, zalo...., nhắn tin cho bạn bè người thân hỏi mượn tiền. Giả danh cán bộ xử lý giao thông và còn rất nhiều hình thức với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Biện pháp phòng tránh tốt nhất để không mắc bẫy của bọn lừa đảo là người dân cần hết sức cảnh giác, nhất là trước những chiêu trò mời gọi hấp dẫn kiểu như “việc nhẹ, lương cao” “món hời dễ dàng” hoặc là tình huống nguy cấp của người than và tuyệt đối không nóng vội thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng.