Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách quản lý vàng độc quyền SJC; Tìm vùng đất mới để tăng kim ngạch xuất khẩu; Nhiều bất cập của luật thuế thu nhập cá nhân; Fed tăng lãi suất sẽ tác động thế nào đến kinh tế - tài chính Việt Nam?; Thu thuế nhà, đất thứ hai liệu có ngăn chặn được đầu cơ bất động sản? ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 7/2/2023.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC KIÊN ĐỊNH CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VÀNG ĐỘC QUYỀN SJC
Độc quyền thương hiệu vàng quốc gia SJC là một trong những chủ đề nóng trên nghị trường Quốc hội và giới đầu tư. Từ nhiều năm nay, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Ngân hàng Nhà nước coi là “vũ khí” hữu hiệu chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Bài viết đáng chú ý trên báo Lao Động.
Bài viết trích dẫn ý kiến Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 là tiếp tục kiên định quản lý thị trường vàng theo quy định của Nghị định 24 để kiểm soát chặt chẽ và duy trì sự ổn định của thị trường vàng miếng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, sẵn sàng phương án can thiệp thị trường khi cần thiết, đề xuất giải pháp phù hợp để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý thị trường vàng, thực hiện mục tiêu hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.
TÌM VÙNG ĐẤT MỚI ĐỂ TĂNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU
Hoạt động xuất khẩu năm 2023 được dự báo gặp khó khăn khi nhiều quốc gia đưa ra những quy định kiểm định ngặt nghèo. Để tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp bên cạnh việc khai thác thị trường truyền thống cần tìm kiếm vùng đất mới.
Theo bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị, thực tế cho thấy hiện doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những rào cản thương mại, kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ… dẫn đến khả năng cạnh tranh bị hạn chế đã khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu có thể còn ảm đạm hơn năm 2022, thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc… giảm sức mua. Để tăng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp nên khai thác các thị trường mới để có đơn hàng sản xuất. Đồng thời cần tận dụng ưu đãi thuế quan mà các hiệp định FTA mang lại từ đó đẩy mạnh xuất khẩu.
NHIỀU BẤT CẬP CỦA LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, việc sửa đổi rất cần thiết bởi luật có quá nhiều bất cập. Bài viết phân tích trên báo điện tử VOV.
Theo bài viết, Luật Thuế thu nhập cá nhân có đến 7 mức tính, gây khó khăn cho việc tính thuế, tạo áp lực cho người nộp thuế. Trong khi, khoảng cách giữa các bậc chưa hợp lý, ngắn và hẹp. Theo đề xuất của một số chuyên gia, hàng năm, Nhà nước nên rà soát lại để tính mức trượt giá. Việc này, được điều chỉnh càng sớm càng tốt, tạo cho người dân có khoản thu khá hơn, tạo cho thị trường sôi động, sức mua lớn hơn, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt hơn.
FED TĂNG LÃI SUẤT SẼ TÁC ĐỘNG THẾ NÀO ĐẾN KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM?
Cục Dự trữ liên bang Mỹ vừa thông báo về việc tăng lãi suất trong phiên họp đầu tiên của năm 2023, đồng thời phát đi tín hiệu về việc chưa dừng lại hoạt động này. Lãi suất tại Mỹ tăng liệu có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam?
Theo bài viết trên Thời báo tài chính Việt Nam, FED tăng lãi suất để kìm chế lạm phát, tuy nhiên điều này lại có tác động không nhỏ đến kinh tế - tài chính Mỹ và trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trên các khía cạnh: hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FPI), hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá so với VND gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khi chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng do tỷ giá, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, năng lượng, hàng điện tử là những doanh nghiệp điển hình cho khó khăn khi tỷ giá tăng.
THU THUẾ NHÀ, ĐẤT THỨ HAI LIỆU CÓ NGĂN CHẶN ĐƯỢC ĐẦU CƠ BẤT ĐỘNG SẢN?
Mới đây, UBND TP.HCM đã xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố. Đáng chú ý, trong dự thảo này, TP.HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.
Theo đề xuất, TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên trên địa bàn gồm lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
Theo UBND TP.HCM, thu thuế nhà đất thứ hai trở lên sẽ có 3 thách thức cho thành phố. Đó là phải đảm bảo điều chỉnh bất cập trong hệ thống thuế hiện hành vì chưa phân biệt rõ đối với tài sản thứ hai trở lên; phải đảm bảo điều chỉnh đúng đối tượng; rà soát cơ sở dữ liệu về nhà ở, định giá nhà đất, thông tin nhà đất trên phạm vi một địa phương và sự liên kết thông tin với các địa bàn khác.
Thực hiện : Hoàng Hương