Điểm báo 6/12: Nhiều bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn đầu tư công: Vì sao không tiêu hết tiền?

Nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống ngân hàng, Ổn định xăng dầu: sửa cơ cấu giá, tăng nhập khẩu ít nhất hết tháng 6/2023, Nhiều bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn đầu tư công: Vì sao không tiêu hết tiền?, Cần “cú hích” cho điện ảnh việt vươn xa,... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 6/12.

NỚI ROOM TÍN DỤNG THÊM 1,5 - 2% CHO TOÀN HỆ THỐNG NGÂN HÀNG 

Cuối ngày 5-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%. Thông tin được này được nhiều tờ báo đăng tải.

Theo báo Tuổi trẻ, đây là tin vui và gây bất ngờ vì trước đó dù có nhiều đề nghị Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không nới room quá 14% để kiểm soát lạm phát. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước chỉ nới room cho một số ngân hàng thuộc nhóm Big 4 và các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. NHNN cũng yêu cầu việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

ỔN ĐỊNH XĂNG DẦU: SỬA CƠ CẤU GIÁ, TĂNG NHẬP KHẨU ÍT NHẤT HẾT THÁNG 6/2023 

Theo Báo Giao thông, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước tăng năng lực sản xuất và các thương nhân đầu mối tăng số lượng nhập khẩu ít nhất đến tháng 6/2023.

Cụ thể, Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước tăng năng lực sản xuất và các thương nhân đầu mối tăng số lượng nhập khẩu ít nhất đến tháng 6/2023. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục rà soát đề xuất cập nhật kịp thời chi phí phát sinh vào công thức tính giá cơ sở để tiếp tục điều chỉnh. Nhiều tờ báo cũng đề cập, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường. Còn Bộ Tài chính cũng vừa công bố lấy ý kiến đối với dự thảo lần 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023.

NHIỀU BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG XIN TRẢ LẠI VỐN ĐẦU TƯ CÔNG: VÌ SAO KHÔNG TIÊU HẾT TIỀN? 

Dù tình hình được cải thiện song tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (ODA) vẫn thấp. Đáng chú ý, đến thời điểm 30/11/2022, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ODA của hàng loạt bộ ngành và địa phương. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Theo báo Kinh tế và Đô thị, Thống kê cho thấy, một nửa số dự án đầu tư công nguồn vốn nước ngoài có giải ngân bằng 0. Ước tính có tới hơn 60% số vốn dự toán không giải ngân được do các đơn vị chủ động xin hủy, hoặc không thể triển khai dự án. Còn lại 40% là do gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Giải ngân đầu tư công chậm có nguyên nhân từ chất lượng, năng lực nhà thầu triển khai dự án chưa đảm bảo và giá cả nguyên vật liệu tăng cao.

CẦN “CÚ HÍCH” CHO ĐIỆN ẢNH VIỆT VƯƠN XA 

Điện ảnh Việt từ đầu năm đến nay bên cạnh số ít phim có doanh thu phòng vé ấn tượng cũng ghi nhận rất nhiều bộ phim thảm bại về doanh số. “Cần cú hích cho điện ảnh Việt vươn xa”. Đây là bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Theo báo Đại đoàn kết, cuộc đua doanh số phòng vé luôn khắc nghiệt. Nhìn về những thất bại của nền điện ảnh nước nhà trong năm 2022, đa phần những đạo diễn, nhà làm phim chỉ biết thở dài ngao ngán vì buồn và thất vọng. Điện ảnh Việt ảm đạm là do sản phẩm chưa đủ sức hút với khán giả, tâm lý nhà làm phim e dè sau Covid-19, việc thắt chặt chi tiêu cũng là một nguyên nhân khiến các rạp phim thất bát. Muốn điện ảnh nước nhà đi xa và vươn xa cần chiến lược dài hạn, đầu tư về cả nhân lực và vật lực.