Điểm báo 28/12: Không đủ điều kiện vẫn được cấp phép xăng dầu: Bộ Công Thương cần trả lời trách nhiệm của ai?

Không đủ điều kiện vẫn được cấp phép xăng dầu: Bộ Công Thương cần trả lời trách nhiệm của ai?; 'Thổi giá' để kiếm lợi trong khủng hoảng; Siết quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản: Vừa chống thất thu, vừa nâng cao ý thức người dân; Nhà ở xã hội, điểm sáng thanh khoản của thị trường bất động sản 2023 ... là những tin chính có trong điểm báo hôm nay,

KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN VẪN ĐƯỢC CẤP PHÉP XĂNG DẦU: BỘ CÔNG THƯƠNG CẦN TRẢ LỜI TRÁCH NHIỆM CỦA AI?

Kết luận đợt thanh tra xăng dầu lớn nhất lịch sử mà Bộ Công Thương vừa ban hành đã chỉ rõ, nhiều doanh nghiệp đầu mối sai sót, thiếu điều kiện nhưng không được chuyển hồ sơ và kiến nghị xử lý. “Không đủ điều kiện vẫn được cấp phép xăng dầu: Bộ Công Thương cần trả lời trách nhiệm của ai?” Đây là nội dung bài viết trên báo Lao động.

Báo Lao động đặt câu hỏi tại sao nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện về hệ thống phân phối nhưng vẫn được Bộ Công Thương cấp lại giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Hành vi nêu trên liệu có dấu hiệu buông lỏng quản lý, không làm tròn nhiệm vụ của một số cán bộ thuộc Bộ Công Thương trong lĩnh vực cấp phép điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, phải có người đứng ra nhận trách nhiệm. Câu trả lời rất cần được Bộ Công Thương trả lời trước công luận. Trong loạt kết luận thanh tra các đầu mối xăng dầu vừa ban hành, Bộ Công Thương xác định rất nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn đã không làm đúng quy định dự trữ lưu thông, nhập khẩu với mặt hàng thiết yếu này.

'THỔI GIÁ' ĐỂ KIẾM LỢI TRONG KHỦNG HOẢNG

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine tại TP.HCM trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 và phát hiện hàng loạt vụ 'thổi giá' trục lợi. Báo Tuổi trẻ có bài viết về chủ đề này.

Về trình tự, thủ tục thực hiện đấu thầu, qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm, trong đó đối với các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, tất cả các chủ đầu tư của các gói thầu được kiểm tra chưa làm đúng quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Theo Báo Tuổi trẻ, có thể có lý do giá thiết bị những ngày dịch cao điểm thay đổi liên miên, mua bán khó khăn, nhiều rủi ro, nhưng việc có thiết bị bị nâng gấp 4,67 lần so với giá gốc là mức "thổi" bất thường, vượt quá những nguy cơ và không thể chấp nhận.

SIẾT QUẢN LÝ THUẾ CHUYỂN NHƯỢNG BẤT ĐỘNG SẢN: VỪA CHỐNG THẤT THU, VỪA NÂNG CAOÝ THỨC NGƯỜI DÂN

Việc siết chặt các biện pháp quản lý thuế hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản không chỉ giúp số thu vào ngân sách nhà nước tăng, mà còn tạo hiệu ứng mạnh trong ý thức chấp hành pháp luật thuế của người dân. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Số thu từ thuế chuyển nhượng bất động sản cả năm nay dự kiến đạt được hơn 41.000 tỉ đồng, tăng hơn 20.000 tỉ đồng so với số thu của năm 2021. Số thu này có được là nhờ giao dịch bất động sản hai quý đầu năm khá sôi động. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay thu thuế chuyển nhượng bất động sản vẫn tồn tại nhiều bất cập. Hiện quy định quản lý thuế này chưa đồng bộ với Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản…Về phía người dân, có không ít trường hợp chưa hiểu đầy đủ luật, chưa tự giác nộp thuế và nhận thức hậu quả khi khai thuế không đúng thực tế giá chuyển nhượng.

NHÀ Ở XÃ HỘI, ĐIỂM SÁNG THANH KHOẢN CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN 2023

Chuyển sang bài viết liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Hiện nhiều địa phương tập trung phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia bất động sản kỳ vọng đây là điểm sáng thanh khoản của thị trường năm 2023. Bài viết trên báo Giao thông.

Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn. Thời gian qua, cũng đã có nhiều ông lớn trong ngành bất động sản tham gia phát triển nhà ở xã hội. Với những tín hiệu tích cực, người dân kỳ vọng sớm tiếp cận được căn hộ mơ ước của mình. Theo báo Giao thông, Sẽ có lượng hàng lớn sản phẩm nhà ở xã hội sẽ được hấp thụ nhanh chóng. Đây sẽ là chìa khoá để giải bài toán thanh khoản cho thị trường. Bên cạnh những tín hiệu khả quan, các chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn mà phân khúc này phải đối mặt như: Phê duyệt dự án rườm rà, nhiều thủ tục, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. (giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu)...