Điểm báo 27/11: Nhức nhối nạn cá độ bóng đá

Nhức nhối nạn cá độ bóng đá; Đòi nợ thuê lộng hành; Cần tháo gỡ điểm nghẽn cho dòng vốn; Hà Nội ùn tắc liên miên, cách nào giảm nhiệt?... là những tin có trong điểm báo sáng 27/11.

NHỨC NHỐI NẠN CÁ ĐỘ BÓNG ĐÁ

Cá độ bóng đá đang là một trong những vấn nạn nhức nhối hiện nay, nhất là vòng chung kết World Cup 2022 - giải bóng đá lớn nhất hành tinh đang diễn ra. Người dân cần nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào cá độ bóng đá,tránh rơi vào cạm bẫy cờ bạc và trở thành tội phạm liên quan tệ nạn này.

Các hình thức đánh bạc chủ yếu là đánh bạc truyền thống, tín chấp và tham gia cá cược bóng đá trên các trang web cá cược như Bong88.com, Ag.bong88.com,... với số tiền đặt cược lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi tuần. Nhiều vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi các đối tượng tham gia cá độ bóng đá thua độ phải bán xe, nhà cửa, đất đai để trả nợ. Đặc biệt, một số đường dây cá độ là do đối tượng người Việt Nam cầm đầu và đặt máy chủ hoạt động tại Campuchia. Chiếu theo pháp luật Việt Nam về việc cấm cá độ, đánh bạc dưới mọi hình thức, trường hợp vi phạm ở mức nhẹ có thể bị xử phạt hành chính với mức xử phạt lên đến 10 triệu đồng; trong trường hợp nếu tổng số tiền chơi từ 5 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu tránh nhiệm hình sự về tội đánh bạc mức hình phạt tù có thể lên đến 7 năm tù. Bộ Công an đang tập trung truy xét, xử lý nghiêm đối với các hành vi“đánh bạc”qua mạng, nhất là khi giải bóng đá lớn nhất hành tinh, World Cup 2022 đang diễn ra. Bộ Công an khuyến cáo người dân không tham gia các hoạt động cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá qua mạng.

ĐÒI NỢ THUÊ LỘNG HÀNH

Càng về cuối năm, nhiều vụ việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen, đòi nợ “khủng bố” càng diễn biến phức tạp. Không chỉ “con nợ” mà những người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của họ cũng bị vạ lây. Thời gian qua, xuất hiện những câu chuyện dở khóc dở cười khi nhiều người bỗng nhiên bị vu khống, bôi nhọ hình ảnh nhằm gây áp lực đòi nợ người vay... khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc.

Từ đầu tháng 9/2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã phát hiện một số Công ty lợi dụng danh nghĩa Công ty cổ phần mua bán nợ để hợp thức hóa việc đòi nợ thuê. Thủ đoạn các đối tượng là mua tên miền trang web, lập trang Facebook để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ "xấu", nợ khó đòi. Công ty này có mô hình tổ chức, phân công các đội, tổ, nhóm hoạt động có quy định "ngầm". Hình thức phổ biến nhất là đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để đánh vào tâm lý, uy tín của con nợ. Thủ đoạn của các đối tượng trong băng nhóm đòi nợ thuê cũng rất tinh vi. Để ngăn chặn tình trạng đòi nợ thuê, các chuyên gia cho rằng chế tài xử phạt như luật định hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe, cần hành động quyết liệt hơn từ cả chính quyền và cơ quan chức năng, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên những cơ sở tư vấn tài chính để phát hiện nguy cơ đòi nợ thuê. Từ đó kịp thời ngăn chặn và xử lý.

CẦN THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN CHO DÒNG VỐN

Hiện nay, Doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn kép ảnh hưởng đến dòng tiền. Đó là tình hình kinh tế thế giới đang lạm phát, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dòng tín dụng nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam cũng bị hạn chế… Còn trong nước, dòng vốn vay lãi suất tăng cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Chuyên gia kinh tế đánh giá, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là khó khăn nhất thời, điều quan trọng phải xử lý điểm nghẽn dòng vốn để chuyển vào sản xuất, kinh doanh. Thực tế, nền kinh tế không thiếu tiền, chỉ là nguồn tiền đó chưa chuyển được thành nguồn vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh vì nhiều người đang lo lạm phát. Theo chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần phải có giải pháp khơi thông dòng vốn, làm lành mạnh thị trường tài chính, như loại bỏ trái phiếu dưới chuẩn ra khỏi thị trường, có cơ chế kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tái cấu trúc bằng cách tăng vốn cổ phần, vì nếu công ty hoạt động tốt thì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phần và mua bán sáp nhập. Còn phương án bơm vốn ra thị trường cần phải cân nhắc.

HÀ NỘI ÙN TẮC LIÊN MIÊN, CÁCH NÀO GIẢM NHIỆT? 

Thời gian qua, Hà Nội thực hiện nhiều nhóm giải pháp kỳ vọng xóa ùn tắc, tuy nhiên tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Vậy tới đây, Hà Nội cần làm gì để kéo giảm ùn tắc, nhất là thời điểm những tháng cuối năm?

Thời gian qua Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện 9 nhóm giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những giải pháp này cũng chỉ là tình thế và Hà Nội cần phải có các chính sách căn cơ hơn. Để chống ùn tắc hiệu quả, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có xây dựng hệ thống xe điện ngầm (metro) cũng phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Đây là một giải pháp bắt buộc không thể thiếu trong tương lai. Bởi điều này không chỉ giúp cải thiện nạn kẹt xe, giảm chi phí chuyên chở, giảm nhu cầu bãi đậu xe mà còn bảo đảm sự an toàn.