Điểm báo 27/09: Làm gì để Logistics Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA?

Chặn 'Rau rởm' biến hình; Điều tiết giá trị gia tăng: Ngăn đầu cơ bất động sản; Tân sinh viên khóc ròng vì giá nhà trọ tăng cao; Ngăn phát triển “nóng” cây sầu riêng... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo.

LÀM GÌ ĐỂ LOGISTICS VIỆT NAM TẬN DỤNG TỐT CƠ HỘI TỪ EVFTA?

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trong đó, dịch vụ logistics có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa hơn đáng kể so với các FTA khác. Phân tích nội dung này trên Thời báo Tài chính Việt Nam có bài viết: Làm gì để Logistics Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA

Để ứng phó với những thách thức và tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA, Ngành logistics Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ hơn nữa từ sự chủ động của doanh nghiệp cho đến những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp cần nắm rõ hơn những cam kết mở cửa dịch vụ logistics để nhận diện được các nguy cơ mới trong cạnh tranh và thay đổi tư duy về ngành logistics, qua đó tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp.

CHẶN 'RAU RỞM' BIẾN HÌNH

Liên quan đến việc rau VietGAP rởm “biến hình” vào hàng loạt siêu thị, nhiều ý kiến cho rằng để tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ.

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, Nhìn nhận về vụ việc rau rởm tuồn vào siêu thị, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ cho rằng, vụ rau chợ không rõ nguồn gốc “biến hình” thành rau VietGAP là chuyện không sớm thì muộn sẽ xảy ra, bởi sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, giám sát. Do đó, Các nhà phân phối cần hạn chế mua hàng của đối tác trung gian. Thay vào đó, cần làm việc trực tiếp với các cơ sở cung cấp như trang trại, hợp tác xã, đồng thời có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chất lượng đầu vào. Các nhà phân phối cần trao đổi với bên cung cấp về năng suất, đưa ra các đơn hàng phù hợp, tránh trường hợp quá tải rồi phải mua hàng trôi nổi bên ngoài.

ĐIỀU TIẾT GIÁ TRỊ GIA TĂNG: NGĂN ĐẦU CƠ BẤT ĐỘNG SẢN

Giá bất động sản tăng cao thời gian gần đây không chỉ do chi phí đầu tư xây dựng cấu thành sản phẩm, mà là do đất đai giá trị cao. Hoạt động đầu tư BĐS đón trước quy hoạch chính là cơ hội để người đầu cơ hưởng chênh lệch từ đất đai mang lại. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị

Các chuyên gia cho rằng, Việc đấu thầu dự án sử dụng đất hay đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích chung là chọn được nhà đầu tư có phương án khai thác, sử dụng nguồn lực đất hợp lý, mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội. Nhưng đã xuất hiện tình trạng trả giá cao bất thường nhằm trục lợi thông qua đẩy giá bán những mảnh đất đã có với giá cao thu lợi hoặc mượn giá cao để làm gia tăng giá trị tài sản của nhà đầu tư nhằm hợp pháp hóa cho hoạt động huy động vốn... Tất cả những yếu tố trên trở thành điểm tựa cho những “cá mập” ôm đất đầu cơ, gây ra những hiệu ứng xấu cho thị trường BĐS và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc an sinh xã hội đối với đại đa số người dân lao động, thu nhập trung bình.

TÂN SINH VIÊN KHÓC RÒNG VÌ GIÁ NHÀ TRỌ TĂNG CAO

Cận kề ngày nhập học nhưng nhiều tân sinh viên vẫn loay hoay, khổ sở tìm nhà trọ và tìm người ở ghép vì giá phòng trọ tăng cao.

Theo bài viết trên báo lao động, Hiện tại, giá nhà trọ tại khu vực nội thành Hà Nội đang tăng cao do vào mùa nhập học. Khảo sát giá trọ tại các khu vực quận Xuân Thuỷ, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy,...hiện dao động từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng/tháng cho một phòng diện tích từ 15 - 17m2. Dù giá phòng khá cao nhưng sinh viên còn phải trả những chi phí sinh hoạt hàng tháng khác. Giá trọ tăng cao trước thời điểm nhập học khiến nhiều sinh viên "khóc ròng" vì không thể tìm được phòng phù hợp với nhu cầu và điều kiện tài chính.

NGĂN PHÁT TRIỂN “NÓNG” CÂY SẦU RIÊNG

Sầu riêng đặc biệt thích nghi với vùng đất đỏ bazan, vì thế có thể nói Đăk Lăk có lợi thế rất lớn để phát triển cây trồng này. Sầu riêng Đăk Lăk cũng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tỉnh này đang hướng đến việc nâng cao chất lượng, phát triển bền vững, tránh phát triển “nóng” cây sầu riêng. Bài viết trên báo Nông thôn ngày nay.

Theo bài viết, để nâng cao giá trị trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng, chính quyền địa phương cần chủ động kêu gọi đầu tư, theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cho người sản xuất. Trong đó, Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, cơ sở đóng gói nông sản có trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó Cần gắn kết nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, tạo mối quan hệ lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp chế biến và người nông dân, đảm bảo sản xuất trái cây chất lượng cao, ổn định lâu dài… đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.