• 1740 lượt xem
  • 15:00 24/07/2022
  • Xã hội

Điểm báo 24/07: Thuế bất động sản, không thể chậm hơn

Thuế bất động sản không thể chậm hơn; xét tuyển đại học: Chặn tình trạng làm đẹp “học bạ”; hạn chế mặt trái của đồng tiền FDI; giá xăng giảm sâu, sao hàng thiết yếu vẫn neo giá cao?...là những tin tức nổi bật có trên các báo ra ngày 24/7.

THUẾ BẤT ĐỘNG SẢN, KHÔNG THỂ CHẬM HƠN

Chủ trương đánh thuế cao đối với những người có nhiều tài sản là nhà đất, bất động sản, đã từng được đưa ra tranh luận. Đặc biệt, trong bối cảnh giá đất tăng nóng như thời gian qua thì vấn đề này lại càng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Báo đại đoàn kết có bài viết: “Thuế bất động sản, không thể chậm hơn”.

Theo Báo đại đoàn kết, Hiện nay người sở hữu nhà tại Việt Nam chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó thuế suất đối với đất ở trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất. Mức nộp thuế này quá thấp, gần như không đáng kể và không đủ sức điều tiết thị trường. Việc đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi sẽ góp phần giúp thị trường BĐS phát triển bền vững, phòng chống đầu cơ và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC: CHẶN TÌNH TRẠNG LÀM ĐẸP “HỌC BẠ”

Xét tuyển bằng điểm học bạ được coi là phương thức thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường. Tuy nhiên, việc gia tăng xét tuyển bằng học bạ cũng đặt ra vấn đề: Làm sao phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực để làm đẹp điểm số nhằm tăng cơ hội trúng tuyển bằng phương thức này. Bài viết trên báo Giáo dục và thời đại.

Theo báo Giáo dục và thời đại, Việc tuyển sinh bằng học bạ có ưu điểm là chính xác hơn, vì đánh giá được quá trình chứ không phụ thuộc 1, 2 bài thi. Tuy nhiên, nhiều giáo viên thừa nhận, việc này cũng có thể dẫn tới tiêu cực như sửa điểm làm đẹp học bạ. Ngăn chặn việc này không dễ. Đánh giá không đúng, không sát vì mục đích làm đẹp học bạ để xét tuyển sinh đại học hoàn toàn sai về chuyên môn. Để khắc phục tiêu cực, giáo viên phải làm tròn trách nhiệm giáo dục gương mẫu của mình; đánh giá khách quan, công bằng, công khai và dân chủ theo năng lực nhận thức của học sinh ở từng bộ môn mình giảng dạy. 

HẠN CHẾ MẶT TRÁI CỦA ĐỒNG TIỀN FDI

 “FDI - đồng tiền hai mặt” là cụm từ được nêu để khái quát về những mặt tích cực và tiêu cực mà dòng vốn FDI lâu nay mang lại cho nền kinh tế. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam 

 Bên cạnh những hiệu quả đã được ghi nhận, FDI cũng đem lại những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, chuyển giá - trốn thuế, công nghệ lạc hậu...Trong hợp tác FDI giai đoạn tới, cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề để hạn chế những mặt trái này của “đồng tiền FDI”. Theo Thời báo Tài chính VN, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho FDI cũng là yêu cầu quan trọng. Cùng với đó, các bộ chuyên ngành cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các yêu cầu đối với việc lựa chọn các dự án FDI để các địa phương dễ thực hiện và thống nhất toàn quốc.  

GIÁ XĂNG GIẢM SÂU, SAO HÀNG THIẾT YẾU VẪN NEO GIÁ CAO?

Sau hai lần xăng giảm giá sâu (gần 7.000 đồng/lít), lương thực thực phẩm, và nhiều mặt hàng tiêu dùng tại các thành phố lớn vẫn không giảm giá, thậm chí còn có xu hướng tăng. Bài viết trên báo điện tử VOV.

Nhiều ý kiến cho rằng, Giá xăng giảm hai lần vừa qua chỉ tạm thời làm giảm sức ép lên doanh nghiệp, tạm thời chặn đà tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng, tạm thời chặn nguy cơ lạm phát... Nhưng chưa thể đưa doanh nghiệp trở về trạng thái hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả để điều chỉnh giảm giá hàng hóa tiêu dùng xuống. Ngoài ra, giá xăng dầu chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng cơ cấu giá thành của nhiều thực phẩm. Vì vậy cần có phương án giảm giá nguyên vật liệu mới giúp giá bán thực phẩm giảm nhiều. 

Thùy Trang