Điểm báo 24/04: Bộ GD&ĐT nói gì khi môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn?

Bộ Giáo dục – Đào tạo nói gì về việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn?; Mật phục, ghi hình, vô hiệu “cò báo chốt” để xử lý xe bắt khách dọc đường; Ngày đêm xử lý xe quá khổ, quá tải trên các tuyến đường Hà Nội; IMF: Việt Nam cần thận trọng trước áp lực lạm phát gia tăng... Là những tin tức đáng chú ý trên báo sáng ngày 24/04/2022.

Bộ Giáo dục – Đào tạo nói gì về việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn?

Trước một số ý kiến xung quanh vấn đề môn Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội. 

Đăng tải thông tin trên báo VOV Bộ Giáo dục và  Đào tạo khẳng định việc sắp xếp các môn giáo dục Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia. Cụ thể, giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), giáo dục Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. 

Ở giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hoá học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học. Như vậy, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại.

Mật phục, ghi hình, vô hiệu “cò báo chốt” để xử lý xe bắt khách dọc đường

Liên quan đến tình hình giao thông, mới đây, CSGT của Hà Nội đã bố trí lực lượng mật phục, ghi hình xe vi phạm,  nhằm  góp phần vô hiệu hóa tình trạng "cò báo chốt" đang tiếp tay cho các xe khách, xe “dù” vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thông tin đăng tải trên báo Lao động.

Sau một thời gian dài nghỉ dịch Covid-19, tình trạng xe khách, xe “dù” đón trả khách tại các tuyến đường nội thành Hà Nội lại tái diễn, gây ra tình trạng lộn xộn, bát nháo trên đường. Đặc biệt, có tình trạng "Cò báo chốt" có nhiệm vụ đi theo hoặc quan sát vị trí mà lực lượng chức năng đang xử lý, từ đó thông báo cho các nhà xe để tránh sự phát hiện và xử lý của lực lượng chức năng khi dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định. Trước sự tinh vi của người vi phạm, các lực lượng chức năng xử lý đã phải có những phương thức để thích ứng với tình hình hiện tại. Bước đầu việc triển khai các tổ công tác mật phục, hóa trang kết hợp với tổ cố định để xử lý vi phạm đã đem lại kết quả tích cực. Theo thống kê từ đầu tháng 04/2022 đến nay, Đội CSGT số 6 đã xử lý 130 trường hợp xe khách vi phạm trên tuyến, trong đó 100 phương tiện vi phạm lỗi dừng, đỗ sai quy định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ùn ứ giao thông.

Ngày đêm xử lý xe quá khổ, quá tải trên các tuyến đường Hà Nội

Cũng liên quan đến tình hình giao thông, theo thông tin trên báo kinh tế và đô thị: tình trạng xe chở quá tải, cơi nới thành thùng, không che chắn nguyên vật liệu làm rơi vãi ra đường gây khói bụi, ô nhiễm ảnh hưởng tới người dân khi tham gia giao thông đã xuất hiện trở lại, đang có chiều hướng gia tăng.

Qua ghi nhận, Mặc dù nhiều khu vực đã được các lực lượng chức năng sửa chữa, đắp nhựa đường nhưng chỉ duy trì được một vài tháng lại trở về với bộ mặt “xấu xí” như ban đầu. Các vết nứt trên tuyến đường kéo dài tạo thành những “ổ voi”, “ổ trâu”, “con lươn” khổng lồ khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều nguy hiểm. Đặc biệt, thùng xe của nhiều phương tiện vận tải có dấu hiệu đã qua chỉnh sửa không đúng với quy chuẩn ban đầu, không che chắn kỹ càng làm vật liệu rơi ra đường khi di chuyển gây khói bụi, ô nhiễm, mất an toàn giao thông. Điều này khiến nhiều người dân bất an, lo lắng. Trước tình trạng trên, lực lượng liên ngành đã tuần tra ngày đêm, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm.

IMF: Việt Nam cần thận trọng trước áp lực lạm phát gia tăng

 Kinh tế Việt Nam đang hồi phục nhưng được Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rủi ro lạm phát, tài chính có thể cũng đang gia tăng. Theo thông tin được đăng tải trên báo VNEXPRESS, đại diện của IMF cho biết, cuối năm, lạm phát của Việt Nam dự báo tăng lên 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát mà Việt Nam đặt ra. 

Trong khi đó, GDP dự kiến ở mức 6% trong 2022 và 7,2% trong 2023. Để giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát,  Đại diện IMF cho rằng việc xây dựng chính sách nên nhanh chóng, quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên được điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi. 

Chính sách tài khoá nên đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro làm suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực, vì dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ rất hạn chế khi các rủi ro lạm phát đang gia tăng. Đồng thời, nên duy trì nỗ lực nhằm tăng cường quản trị, khắc phục các khoảng trống dữ liệu khi đang hướng tới các chuẩn mực của nền kinh tế mới nổi./.