Điểm báo 22/3: Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Ứng phó kịp thời để giảm thiểu các tác động bất lợi

Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Ứng phó kịp thời để giảm thiểu các tác động bất lợi; Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội công nhân nghỉ việc nhiều hơn; Quy định chồng chéo, điện mặt trời mái nhà lại 'kêu cứu'; Công nghiệp hỗ trợ: Thiếu cơ chế gắn kết theo chuỗi; Nhiều ngành học sẽ biến mất vì ChatGPT: Thí sinh nên lựa chọn ra sao? ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 22/3/2023.

THỰC THI THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU: ỨNG PHÓ KỊP THỜI ĐỂ GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG BẤT LỢI

Mở đầu chuyên mục điểm báo là bài viết đáng chú ý được đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam với tiêu đề: "Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Ứng phó kịp thời để giảm thiểu các tác động bất lợi".

Theo bài viết, thuế tối thiểu toàn cầu hiện nay đang là một vấn đề rất nhiều các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm. Chính sách thuế mới này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư mở rộng mà cả các nhà đầu tư đang cân nhắc lựa chọn địa điểm cho hoạt động đầu tư của mình. Do đó, cần có giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động bất lợi. Cũng theo bài viết, khi ưu đãi thuế không còn là tiêu chí để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn, Việt Nam sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là thời điểm để Việt Nam xem xét đánh giá lại để điều chỉnh các chính sách ưu đãi đầu tư.

GIẢM NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI CÔNG NHÂN NGHỈ VIỆC NHIỀU HƠN

Hạ năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, nhiều công nhân làm 14 năm sẽ nghỉ việc để nhận trợ cấp một lần. Bài viết phản ánh trên báo điện tử VnExpress.

Trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội làm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 xuống 15. Mục tiêu để nhiều người tiếp cận được với lương hưu, mở rộng lưới an sinh, hạn chế người người nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên, chủ tịch công đoàn doanh nghiệp đông lao động nhất TP HCM nói rằng, điều này dễ gây tác dụng ngược. Cũng theo chia sẻ của chủ tịch công đoàn doanh nghiệp này, hiện có nhiều công nhân đóng bảo hiểm gần 20 năm, họ xin nghỉ việc để chờ rút bảo hiểm. Pháp luật không hạn chế rút một lần thì khi giảm năm đóng xuống 15 năm, công nhân làm 14 năm sẽ nghỉ. Việc này gây xáo trộn lớn trong lực lượng lao động tại doanh nghiệp khi chu kỳ nghỉ sẽ ngắn lại.

QUY ĐỊNH CHỒNG CHÉO, ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ LẠI 'KÊU CỨU'

Mặc dù ban đầu được khuyến khích kêu gọi đầu tư nhưng các doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà lại đứng trước nguy cơ phá sản vì ngành điện lực lại “dọa” ngưng trả tiền và ngắt khỏi lưới điện.

Theo bài viết trên báo Tuổi trẻ, các doanh nghiệp điện mặt trời cho biết, họ đầu tư theo Quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Trục trặc phát sinh khi hợp đồng mua bán điện đang diễn ra thì ngành điện yêu cầu các nhà đầu tư phải bổ sung hồ sơ phòng cháy chữa cháy và giấy phép xây dựng của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Vướng mắc hiện nay do các công trình điện mặt trời mái nhà đã được triển khai, đưa vào sử dụng, tuy nhiên quy định pháp luật không thể cấp phép cho công trình hiện hữu, mà muốn cấp phép thì phải xử phạt, tháo dỡ và làm thủ tục lại từ đầu.

CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ: THIẾU CƠ CHẾ GẮN KẾT THEO CHUỖI

Thời gian qua, nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành, tuy nhiên, cơ chế để các doanh nghiệp gắn kết với nhau theo chuỗi vẫn thiếu và yếu.

Theo bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị, từ năm 2015 đến nay, nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo. Mặt khác, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành…

Truyền hình Quốc hội Việt Nam