• 1684 lượt xem
  • 13:54 21/07/2022
  • Xã hội

Điểm báo 21/7: Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế: Nên thay đổi cách nhìn, quy trình đấu thầu

Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế: Nên thay đổi cách nhìn, quy trình đấu thầu; Áp dụng chế độ kế toán cho hoạt động xã hội, từ thiện từ 1/9/2022: Không cần sao kê, vẫn quang minh; Doanh nghiệp du lịch vướng "điểm nghẽn" vì chính sách visa; Coi chừng bẫy ''việc nhẹ, lương cao"... là những nội dung chính trong điểm báo hôm nay 21/7.

GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC, THIẾT BỊ Y TẾ: NÊN THAY ĐỔI CÁCH NHÌN, QUY TRÌNH ĐẤU THẦU

Trước tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều nơi do chậm trễ trong đấu thầu, các địa phương, bệnh viện vẫn đang phải loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, có nên xem xét bỏ đấu thầu thuốc tập trung và giao cho các địa phương, BV, cơ sở y tế tự quyết nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các BV hiện nay. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị. 

Bài viết trích dẫn ý kiến của  PGS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng, đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cũng không là biện pháp tối ưu. Quan trọng, mục tiêu cuối cùng hướng đến là làm sao phục vụ người bệnh tốt nhất, lựa chọn những thuốc chất lượng nhất với giá cả hợp lý nhất. Việc đấu thầu chọn giá thấp không biết tiết kiệm được bao nhiêu tiền nhưng thay vào đó tốn nhân lực của bác sĩ, nhân viên y tế, thay vì lo nâng cao chuyên môn thì lo tập trung loay hoay mua sắm.

ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN CHO HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI, TỪ THIỆN TỪ 1/9/2022: KHÔNG CẦN SAO KÊ, VẪN QUANG MINH

Liên quan đến việc áp dụng chế độ kế toán cho hoạt động xã hội, từ thiện từ 1/9/2022, trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn ngày nay, nhiều ý kiến đánh giá quy định yêu cầu mở sổ kế toán khi làm từ thiện là một bước tiến mới đối với hoạt động này, giúp hạn chế được việc thất thoát, gian lận trong quá trình thực hiện từ thiện.

Theo bài viết, hoạt động kêu gọi từ thiện là một việc làm ý nghĩa, nhân văn, thiết thực, tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều trường hợp kêu gọi và quyên góp từ thiện đã gây ra nhiều lời ra tiếng vào về sự minh bạch các khoản thu nhận - chi, hỗ trợ, thậm chí nghi vấn hành vi biển thu, tư lợi của người đứng ra kêu gọi thực hiện. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ đồng tình với quy định mới tại Thông tư 41. Ông Hòa cho rằng, nhiều người làm từ thiện với cái tâm thôi thì chưa đủ chứng minh một cách rõ ràng và minh bạch nguồn tiền kêu gọi quyên góp và phân phối hàng từ thiện. Bởi vậy, vẫn phải cần có sổ sách ghi chép, hóa đơn chứng từ, sao kê tài khoản ngân hàng để khi cần rà soát ta có thể đáp ứng được ngay.

DOANH NGHIỆP DU LỊCH VƯỚNG "ĐIỂM NGHẼN" VÌ CHÍNH SÁCH VISA

 Mặc dù đã mở cửa du lịch trong nhiều tháng qua nhưng chính sách visa của Việt Nam vẫn còn tồn đọng điểm nghẽn, khiến cho không ít doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách nước ngoài. Bài viết trên Báo Lao Động.

Trước những khó khăn của ngành du lịch trong việc thu hút khách quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cải thiện chính sách visa, giảm bớt giấy tờ, mở rộng danh sách miễn thị thực cho khách đến từ Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… đang là một trong những giải pháp thiết thực nhằm thu hút lượng khách nước ngoài đến Việt Nam.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành đã rất nỗ lực quảng bá hình ảnh Việt Nam và chính sách mở cửa thông thoáng đón khách quốc tế tới đối tác nước ngoài, tuy nhiên, các hoạt động quảng bá nhỏ lẻ, tự phát chưa thể tạo thành hiệu ứng rộng để làm bùng nổ thị trường và cần thêm những chính sách quảng bá tầm quốc gia.

COI CHỪNG BẪY ''VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO''

 Nắm được điểm yếu của người lao động là cần việc làm, mong thu nhập cao, nhưng lại thiếu hiểu biết pháp luật và thông tin về thị trường việc làm ngoài nước, thời gian qua, một số đối tượng đã thực hiện các thủ đoạn tinh vi để lừa đảo người dân đi làm việc ở nước ngoài.

Theo bài viết trên báo Hà Nội Mới, gần đây, với chiêu bài dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao, không yêu cầu trình độ”, không ít người dân đã “mắc bẫy” ra nước ngoài làm việc để rồi bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bị đe dọa sức khỏe, tính mạng. Thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật. 

Để tránh bị kẻ xấu lừa đảo, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước cũng như các điều kiện, quy định, đối chiếu xem mình có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Phải luôn cảnh giác trước các lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao”, “không mất chi phí đi lại”, “không yêu cầu trình độ”... của các đối tượng trên mạng xã hội