Điểm báo ngày 25/03: Nghịch lý trẻ em được đi chơi khắp nơi nhưng bị cấm đến trường

"Siết" kiểm soát kinh doanh xăng dầu; Hơn 65.000 ha đất sử dụng sai mục đích trong 5 năm; Nghịch lý trẻ em được đi chơi khắp nơi nhưng bị cấm đến trường; Nhiều chủ đầu tư bị “tuýt còi” do chiếm dụng phí bảo trì chung cư... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ra ngày 25/03/2022.

"Siết" kiểm soát kinh doanh xăng dầu

Theo bài viết, Tình trạng buôn bán xăng dầu giả, nhập lậu, kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp không chỉ gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm lũng đoạn thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.  Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ, giám sát các doanh nghiệp phân phối, có biện pháp quản lý chất lượng và quản lý thị trường nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Hơn 65.000 ha đất sử dụng sai mục đích trong 5 năm

Từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 nhận thấy rằng, việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai trong thời gian qua kém hiệu quả. Diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết địa phương. Việc thu hồi các dự án không triển khai, chậm tiến độ chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai. Số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2016-2021, vẫn còn hơn 65.000 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Trong đó, diện tích đã thu hồi là hơn 160.000 ha. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ, cả giai đoạn chỉ hơn 242 tỷ đồng.

Nghịch lý trẻ em được đi chơi khắp nơi nhưng bị cấm đến trường

Trước ý kiến của phụ huynh, giáo viên về việc nên cho trẻ tiểu học học online hết năm học vì đối tượng này chưa tiêm vaccine, chuyên gia y tế cho rằng đang có nghịch lý trẻ em được đi chơi khắp nơi nhưng bị cấm đến trường. Do đó, cần thiết phải cho trẻ đến trường học trực tiếp bởi dù đi học hay ở nhà đều có nguy cơ lây nhiễm. Bài viết trên báo Lao động.

Lý giải về nhận định này, PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hậu quả và hệ lụy của việc trẻ em không được đến trường, không được tương tác giữa trẻ với trẻ, tương tác giữa trẻ với thầy cô sẽ gây ra các khiếm khuyết về tinh thần và thể chất. Thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm. Vì vậy cần cho trẻ đi học trực tiếp thay vì đợi chờ đến khi các em được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 như ý kiến, nguyện vọng của 1 số phụ huynh. Cũng theo bài viết để mở cửa trường học an toàn, ngoài việc tổ chức và thực hiện tốt quy định phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ GDĐT còn cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường và cơ quan y tế. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine.

Nhiều chủ đầu tư bị “tuýt còi” do chiếm dụng phí bảo trì chung cư

Thực tế cho thấy tại các chung cư các tranh chấp liên quan đến phí bảo trì chung cư ngày càng nở rộ.  Theo Bộ Xây dựng cho biết đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư, trong đó 12/18 chủ đầu tư bị buộc phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định, quyết toán tổng số kinh phí bảo trì gần 345 tỉ đồng. Đồng thời, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư, tổng số tiền là hơn 1 tỉ đồng. Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Chưa thể xem dịch Covid-19 là “bệnh lưu hành”

Bài viết trích dẫn ý kiến của bà  Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho rằng, Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron, kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ và các biến thể phụ có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm rất khó xác định và chưa có tính ổn định. Cùng với đó, số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây. Do vậy, Trong thời gian này, Việt Nam chưa thể xem dịch Covid-19 là “bệnh lưu hành” và cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể xem bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” vào thời điểm thích hợp.