Điểm báo 19/11: “Liều thuốc” nào chữa bệnh “ngập”?

Phân công, phân cấp để rõ trách nhiệm trong quản lý giá; Cần gì để đến 2045 Việt Nam không còn thương vong do tai nạn giao thông?; Du lịch tự túc bùng nổ; “Liều thuốc” nào chữa bệnh “ngập”...là những tin tức đánh chú ý có trên các báo ra trong ngày.

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP CỤ THỂ, RÕ TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN LÝ GIÁ

Luật Giá đã đi vào cuộc sống được gần 9 năm. Không thể phủ nhận, đạo luật này đã đóng góp tích cực vào công tác ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi thực tiễn có nhiều thay đổi, nhất là một số vướng mắc xảy ra đã gặp phải tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đặt ra yêu cầu cần có sự điều chỉnh, đặc biệt trong vấn đề phân công, phân cấp.

Thực tế trên cho thấy, Cần phải tiếp tục rà soát các quy định giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành, trên cơ sở đó kiến nghị điều chỉnh một cách hợp lý, phù hợp trong công tác quản lý, điều hành giá theo hướng một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá trong tình hình mới. Theo cơ quan soạn thảo, phương án chính sách trọng tâm đề ra là phải quy định rõ về nguyên tắc trong phân công, phân cấp quản lý giá, nhất là đối với biện pháp định giá nhà nước. Như vậy, Chính phủ sẽ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các bộ ban hành các văn bản dưới Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ định giá đối với một số mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng.

CẦN GÌ ĐỂ ĐẾN 2045 VIỆT NAM KHÔNG CÒN THƯƠNG VONG DO TAI NẠN GIAO THÔNG?

Mỗi năm ở Việt Nam, tai nạn giao thông làm thiệt hại khoảng 2,9% GDP, tương đương mỗi ngày chúng ta mất khoảng 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, một trong những Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cũng đưa vào khát vọng về tầm nhìn không thương vong.

Theo bài viết trên báo Giao thông, Trong một năm, tăng trưởng kinh tế được khoảng 7%, tai nạn giao thông lấy đi gần 3%. Tai nạn giao thông không phải là thiên tai, dịch bệnh; là thiệt hại có thể dự báo và phòng tránh được, và đây là thực trạng đòi hỏi vừa cần có giải pháp mạnh vừa phải kiên trì, quyết liệt để kéo giảm tai nạn giao thông. Theo các chuyên gia, bên cạnh thúc đẩy tuyên truyền, vận động thay đổi thói quen, thì việc nâng cao kiến thức, kỹ năng để làm sao tuân thủ luật lệ, tham gia giao thông an toàn ngày càng trở thành thói quen, thành phản xạ của đông đảo mọi người. Bên cạnh đó, để thực hiện tầm nhìn đến 2045 không còn thương vong, rất nhiều việc cần làm, trong đó có các hoạt động tuyên truyền vận động, thực hiện ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT. 

DU LỊCH TỰ TÚC BÙNG NỔ

Sau đại dịch Covid-19, nhiều người chuyển sang du lịch tự túc thay vì chọn đi tour cố định. Ngoài vấn đề an toàn thì chính sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã giúp cho cách du lịch này dần trở thành một xu hướng.

Các nhóm bạn bè, gia đình đi theo dạng khách lẻ nhiều. Du khách có thể nhờ tới các doanh nghiệp lữ hành nhưng chỉ mua dịch vụ combo phòng, vé máy bay... còn lại tự túc mà không theo một hành trình cố định của đơn vị lữ hành nào. Theo các chuyên gia, để doanh nghiệp lữ hành bắt kịp xu hướng tự túc của du khách các doanh nghiệp lữ hành buộc phải chuyển mình và có những chính sách ưu đãi, ký kết với điểm lưu trú để minh chứng cho khách hàng về ưu điểm dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, các đơn vị phải thay đổi cung cách dịch vụ, bắt nhịp nền tảng xu thế của thời đại. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh nếu doanh nghiệp lữ hành không có sự sáng tạo làm mới mình, thì khó có thể giữ được khách hàng và khi đó sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi.

"LIỀU THUỐC" NÀO CHỮA BỆNH "NGẬP"

Cứ vào mùa mưa, nhắc đến chuyện ngập ở TP Hồ Chí Minh, phần lớn người dân đều chung một tâm trạng ngán ngẩm. Bởi chuyện đã “biết rồi khổ lắm nói mãi” mà chưa có giải pháp triệt để. Có “vật lộn” trong những trận mưa hay sau mỗi đợt triều cường để trở về nhà mới thấu hiểu cuộc sống sinh hoạt và công việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán của các hộ dân sinh sống tại các quận, huyện, TP nơi thường xuyên bị ngập bị đảo lộn như thế nào.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước có trung tâm chống ngập. Số tiền cho các dự án chống ngập lên đến hàng tỷ USD trong suốt hơn 20 năm qua nhưng dù là “đi trước”, bài toán chống ngập ở siêu đô thị gần 13 triệu dân này vẫn chưa tìm được lời giải đến nơi đến chốn. Các chuyên gia phân tích, ngoài hai nguyên nhân ngập do mưa và triều cường thì việc đô thị hóa một cách tự do, thiếu quy hoạch, nhà nhà xây nhà, đổ chất thải làm chặn cả dòng chảy thoát nước làm cho vấn đề ngập ở thành phố thêm trầm trọng. Đến nay, các giải pháp chống ngập chủ yếu tập trung cho giải pháp công trình, còn giải pháp thích ứng chỉ làm một số điểm, còn người dân cứ mạnh nhà nào nhà ấy tôn nền nhà, nền đường như một sự thích ứng bắt buộc.