Điểm báo 18/9: Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát đúng mục tiêu

Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát đúng mục tiêu; Nỗi lo thiếu đơn hàng cuối năm; Lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; Quá trình phục hồi kinh tế tiếp tục diễn ra ở Việt Nam... là những tin tức đáng chú ý trên các báo ra ngày 18/9/2022.

VIỆT NAM SẼ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT ĐÚNG MỤC TIÊU

Với nhiều giải pháp đồng bộ, Việt Nam đã làm tốt, từ đó có dư địa để đảm bảo thực hiện thành công kiểm soát lạm phát năm 2022 khoảng 4%. Có thế nói, Việt Nam là một trong số không nhiều nước có gam màu tươi sáng trong bức tranh chung khá ảm đạm về tình hình kinh tế biến động và lạm phát tăng cao trên thế giới. Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị.

Mặc dù chịu nhiều sức ép lớn và khó khăn của bối cảnh thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt. Nhiều giải pháp đồng bộ được Chính phủ triển khai quyết liệt để giảm giá xăng, dầu, ổn định giá điện, nước sinh hoạt, học phí, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý... Nhờ đó, lạm phát 8 tháng năm 2022 được kiểm soát ở mức 2,58%. Việc kiểm soát tốt lạm phát trong 8 tháng giúp Việt Nam có dư địa để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn tiềm ẩn những yếu tố có thể tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Chính phủ đề nghị công tác quản lý, điều hành giá phải bám sát tình hình thế giới, không được chủ quan, lơ là, đảm bảo cung cầu trong nước để ổn định kinh tế.

NỖI LO THIẾU ĐƠN HÀNG CUỐI NĂM

Không ít doanh nghiệp (DN) báo cáo, vào những tháng cuối năm họ gặp nhiều khó khăn về tiếp cận đơn hàng. Nguyên nhân do nhiều biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là tình trạng lạm phát toàn cầu vẫn đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Theo bài viết được đăng tải trên báo Đại đoàn kết, Bộ Công thương vừa đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái. Từ đó, nhu cầu cho các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đòi hỏi các DN phải chủ động ứng phó. Đề cập đến những giải pháp lâu dài, chuyên gia cho rằng, các DN cần phải tìm kiếm, đa dạng thị trường; trong đó chú trọng khai thác thị trường Trung Đông, châu Phi đang còn rất nhiều tiềm năng. Đồng thời, DN nên phát triển để chủ động về nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo cơ hội cho DN tiếp cận nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ.

LẦN ĐẦU TIÊN VIỆT NAM CÓ QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC QUỐC GIA

Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ định hướng tổng thể việc điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên phạm vi toàn quốc, vùng kinh tế, lưu vực sông...

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước rất dồi dào song phân bố không đồng đều theo thời gian và không gian, có tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, khô hạn ở một số nơi, lưu lượng nước không đều, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sạt lở, nước biển dâng; áp lực phát triển KTXH làm cho nhu cầu sử dụng nước gia tăng; ô nhiễm môi trường…Theo dự báo của WB, nếu không giải quyết triệt để các thách thức này thì đến năm 2045, Việt Nam sẽ là quốc gia căng thẳng về nguồn nước. Thực trạng này đặt ra, việc quản lý tài nguyên nước không chỉ là vấn đề quốc gia mà đang được cả thế giới quan tâm, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Do đó, Việt Nam cần phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng sớm quy hoạch này để bảo đảm mục tiêu quản lý tài nguyên nước hiệu quả.

QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI KINH TẾ TIẾP TỤC DIỄN RA Ở VIỆT NAM

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục có những đánh giá tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam tính đến hết tháng 8/2022 bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng. + Báo cáo của Ngân hàng Thế giới khẳng định, Quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam tiếp tục diễn ra mặc dù các yếu tố bất định trong nền kinh tế gia tăng liên quan đến lạm phát toàn cầu tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng cơ bản. Mặc dù giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu là điều khó lường. Vì vậy, việc khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế là cách để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội cần được củng cố, bao gồm cả hệ thống đăng ký, lựa chọn đối tượng và giải ngân, để tạo thuận lợi trong việc tiếp cận những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra các cú sốc.