Hạ tầng cho xe điện cá nhân - nỗi lo mới của Hà Nội; Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần: Thêm gói trợ cấp gia đình ngắn hạn; Trường nghề muốn tồn tại phải được nâng cấp đáp ứng nhu cầu người học; Loạn thu đầu năm học: Kín đáo, khéo léo và tinh vi hơn... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 18/9.
HẠ TẦNG CHO XE ĐIỆN CÁ NHÂN: NỖI LO MỚI CỦA HÀ NỘI
Vài năm qua, lượng xe điện cá nhân, bao gồm cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp tại Hà Nội tăng khá nhanh, đặt ra yêu cầu mới đối với TP về bảo đảm khả năng cung cấp nguồn năng lượng cũng như an toàn cháy nổ. Nếu không sớm có biện pháp quản lý, kiểm soát, việc sử dụng xe điện cá nhân sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị số ra đầu tuần sáng nay.
Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang ở trong tình thế bị động trước những nguy cơ cháy nổ từ xe điện cá nhân. Thực tế này bắt nguồn từ sự chủ quan, chưa lường hết được những rủi ro đi kèm với loại hình phương tiện mới này. Muốn khuyến khích người dân sử dụng phương tiện “xanh”, đồng thời bảo đảm an toàn, thuận tiện, chính quyền TP cần nhanh chóng chuyển sang thế chủ động, sớm xây dựng, ban hành những quy định liên quan đến sử dụng xe điện và nguồn điện cho phương tiện cá nhân.
HẠN CHẾ RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN: THÊM GÓI TRỢ CẤP GIA ĐÌNH NGẮN HẠN
Phần lớn các trường hợp rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là để đối phó với tình trạng thiếu hụt thu nhập ngắn hạn. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải bổ sung gói trợ cấp gia đình ngắn hạn cho người lao động giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt, hạn chế rút BHXH một lần.
Cần xây dựng hệ thống BHXH hấp dẫn hơn đối với người lao động bằng cách tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn nên là một ưu tiên. Có hai chính sách chế độ BHXH ngắn hạn phù hợp để đáp ứng một số nhu cầu mà người lao động hay sử dụng tiền BHXH một lần, đó là mở rộng trợ cấp thất nghiệp và đưa vào chế độ trợ cấp trẻ em/gia đình. Việc thêm vào chế độ trợ cấp như vậy sẽ mang lại hỗ trợ thu nhập ngay lập tức cho hàng triệu gia đình đã có con ở độ tuổi đủ điều kiện, do đó khuyến khích những người lao động trẻ tiếp tục ở lại hệ thống và cũng tham gia đóng góp các chế độ này.
TRƯỜNG NGHỀ MUỐN TỒN TẠI PHẢI ĐƯỢC NÂNG CẤP ĐÁP ỨNG NHU CẦU NGƯỜI HỌC
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đang là sự lựa chọn của nhiều bạn học sinh. Tuy vậy, các cơ sở đào tạo nghề hiện nay vẫn còn gặp khó khăn, nhất là về thiết bị, cơ sở vật chất trong thực hành.
Khi tuyển sinh vào các trường nghề là phụ huynh, học sinh vẫn còn tâm lý phải học đại học. Ngoài ra, các em vẫn chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp sau này, có phần do công tác hướng nghiệp từ sớm chưa thực hiện hiệu quả. Đồng thời Trong quá trình đào tạo tại các trường nghề, thời gian thực hành chiếm từ 50 - 70% nhưng đầu tư về cơ sở vật chất không phải lúc nào cũng theo kịp sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó để người học thích ứng với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ thì cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.
LOẠN THU ĐẦU NĂM HỌC: KÍN ĐÁO, KHÉO LÉO VÀ TINH VI HƠN...
Câu chuyện “lạm thu” đã quay trở lại vào đầu năm học mới và trở thành đề tài nóng trong mấy ngày qua. Dư luận đã bày tỏ bức xúc với một số khoản thu ở một số trường vượt quá quy định, thậm chí còn không có trong danh mục được thu.
Nguyên nhân là tâm lý chung cha mẹ học sinh đều mong muốn cho con mình có những điều kiện học tập tốt nhất. Các nhà trường cũng đều muốn có một nguồn vận động tài trợ và các khoản thu khác từ phía cha mẹ học sinh để đảm bảo vận hành các nhiệm vụ được hiệu quả hơn. Nếu mọi việc thu và chi diễn ra một cách minh bạch, công khai, được sự đồng tình và nhất trí của các phụ huynh và hơn hết là đúng pháp luật thì sẽ không có gì để bàn. Tuy nhiên, việc gây áp lực cho cha mẹ học sinh bằng cách tạo ra các khoản thu vô lý, không cần thiết, không tương xứng với chất lượng thực tế và khống giá một số hạng mục lên thì thực sự là cần phải xem xét lại.