• 1751 lượt xem
  • 14:35 17/12/2022
  • Xã hội

Điểm báo 17/12: Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp tết

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp tết; Ô nhiễm môi trường: Hệ quả buông lỏng quản lý từ cơ sở; Xu hướng đầu tư vào ngành logistics Việt Nam đang tăng nhanh; Phải sòng phẳng với người nộp thuế!,... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 17/12.

PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT

Cục An toàn Thực phẩm (VFA), Bộ Y tế, đã đưa ra khuyến cáo người dân về vấn đề ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra trong dịp lễ, tết. Theo cơ quan này, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc là rất cần thiết.

Theo Cục An toàn thực phẩm (VFA), các loại hải sản, rau, thịt tươi sống đều có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Thực tế, người dân thường có thói quen bỏ tất cả loại thực phẩm mua thừa vào tủ lạnh. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, mỗi loại thực phẩm sẽ có một cách bảo quản khác nhau. Do đó, nếu muốn phòng tránh ngộ độc thực phẩm, VFA khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ. Từ đó, biết cách bảo quản thực phẩm đúng và an toàn. Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch và thực phẩm an toàn cũng là yếu tố quan trọng. Người dân cũng được khuyến cáo sử dụng thực phẩm tươi và an toàn. Lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn an toàn như sữa tươi tiệt trùng. Rửa sạch rau, củ và quả chín dưới vòi nước chảy, đặc biệt với những loại ăn sống. Không sử dụng thực phẩm quá hạn.

Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG: HỆ QUẢ BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ TỪ CƠ SỞ

Trong các vấn đề đô thị nói chung và phòng tránh ô nhiễm môi trường nói riêng, tính đồng bộ của các cấp, ngành, cơ quan quản lý, kết hợp với ý thức người dân rất cần thiết được duy trì. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại tư duy thờ ơ, chậm trễ, đặc biệt diễn ra ở cấp cơ sở dẫn đến kế hoạch chung của cả TP Hà Nội bị kéo chậm. Thông tin bài viết đăng tải trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra cuối tuần sáng nay.

Khi không ít nơi, chính quyền cấp cơ sở tỏ ra khá chậm chạp nếu so sánh với tốc độ phát sinh của các vấn đề ô nhiễm đô thị như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi... Mặc dù hiện nay do sự phát triển của công nghệ thông tin, các lực lượng chức năng đã có nguồn tiếp cận phản ánh đã cao hơn rất nhiều. Thậm chí, ngay cả những vị trí có nhiều cơ quan nhà nước, tình trạng xưởng sản xuất ô nhiễm cũng diễn ra một cách vô tư. Theo các chuyên gia, cần từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân; tạo điều kiện về hạ tầng để các hộ kinh doanh sản xuất, doanh nghiệp (DN) có mặt bằng ổn định, lâu dài; đồng thời mở rộng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong quá trình sử dụng đất, giá thuê đất. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện khi chính quyền sở tại có sự quyết liệt, công bằng trong công tác điều hành, quản lý.

XU HƯỚNG ĐẦU TƯ VÀO NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM ĐANG TĂNG NHANH

Khi các doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy thị trường logistics Việt Nam là thị trường đem lại lợi nhuận cao, thì tốc độ, dòng vốn đổ vào ngành này đang rất lớn.

Nền kinh tế Việt Nam với nhiều điểm sáng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm đã vượt mốc 600 tỷ USD. Tăng tưởng kinh tế ước đạt 8%, là mức tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đi vào thực thi và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là EVFTA… Điều đó, tạo nên động lực cho ngành logistics phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn. Hiện nay thế giới đang ở trong tình trạng suy thoái và lạm phát, thậm chí trong 4 thập kỷ gần đây chưa từng xuất hiện tình trạng lạm phát cao như hiện nay. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sẽ sụt giảm, dẫn đến sự sụt giảm về các hoạt động thương mại, kéo theo đó là hoạt động logistics… Các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp logistics phải có sự chuẩn bị để đối mặt. 

PHẢI SÒNG PHẲNG VỚI NGƯỜI NỘP THUẾ!

Các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc diện được hoàn thuế phải ứng trước tiền của mình để nộp thuế cho Nhà nước. Số tiền này doanh nghiệp phải đi vay, mà trong thời buổi khó khăn này doanh nghiệp đã đi vay mà chờ đến ngày được hoàn thuế có thể lúc đó họ đã đóng cửa giải thể hoặc phá sản.

Theo bài viết, thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp ngành gỗ, ngành điều, cao su, ca cao, cà phê,… đã có nhiều kiến nghị gửi các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi hoàn thuế. Việc chậm thực hiện các thủ tục để doanh nghiệp được nhận tiền hoàn thuế vô hình trung cơ quan thuế chiếm dụng tiền thuế của doanh nghiệp nhưng có khi nào doanh nghiệp được cơ quan thuế tính lãi trên số tiền chậm hoàn thuế theo như quy định? Chi phí lãi vay của doanh nghiệp ai phải gánh chịu? Các doanh nghiệp cũng bày tỏ, cần phải có văn bản quy phạm pháp luật để cho việc hoàn thuế được thuận lợi và nhanh chóng hơn qua đó không làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền của người nộp thuế cũng như không làm thất thu ngân sách từ khoản tiền hoàn thuế.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam