Điểm báo 17/11: Phát triển đô thị bền vững phải có tầm nhìn dài hạn

Phát triển đô thị bền vững: Phải có tầm nhìn dài hạn; Bệnh viện tự chủ toàn diện: Muốn làm nhưng chưa đủ sức; Số ca mắc Sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh ... là những tin chú ý có trong điểm báo sáng 17/11.

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG PHẢI CÓ TẦM NHÌN DÀI HẠN 

Trên trang nhất số ra sáng nay báo Kinh tế và đô thị có bài viết, Trong bối cảnh phát triển đô thị là quy luật khách quan mang tính thời đại và toàn cầu, các đô thị đóng vai trò làm động lực tăng trưởng kinh tế nhưng bên cạnh đó vẫn còn những yếu tố chưa bền vững, thiếu nguồn lực đầu tư. Vì vậy, phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay rất cần sự đổi mới về cơ chế, chính sách.

Quá trình phát triển đô thị đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống cho người dân, kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó một loạt vấn đề cũng xuất hiện như chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa nông thôn và đô thị, tình trạng phát triển phi chính thức, thiếu cơ sở hạ tầng - dịch vụ cơ bản, thiếu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân... Các chuyên gia cho rằng những cơ chế, chính sách mới cần phải nghiên cứu, ban hành gồm: Thẩm quyền phân loại đô thị; quản lý, giám sát đầu tư xây dựng sau phân loại; quy định quản lý phát triển hệ thống đô thịtheo vùng miền và kiểm soát hình thành mới điểm dân cư; chương trình phát triển đô thị tổng thể quốc gia, đô thị tỉnh và từng đô thị.

BỆNH VIỆN TỰ CHỦ TOÀN DIỆN: MUỐN LÀM NHƯNG CHƯA ĐỦ SỨC

Nhiều chuyên gia y tế khẳng định, bệnh viện (BV) tự chủ toàn diện là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, mong muốn thì có nhưng hiện nay BV không đủ sức cáng đáng nếu tự chủ...

Các chuyên gia phân tích, Hiện chúng ta vẫn đang vướng về việc xác định điều kiện tự chủ, khả năng tự bảo đảm nguồn thu. Đặc biệt là vai trò đảm bảo của Nhà nước trong điều kiện nếu ngân sách bệnh viện không tự chủ được và có sự việc bất khả kháng. Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh tiền lương, tiền công theo đặc thù của ngành y tế; đặc biệt là điều chỉnh việc áp dụng thuế sử dụng đất, hiện nay nhiều BV thưc hiện tự chủ chưa tự chủ được nhưng vẫn phải lo đóng thuế đất... Các chuyên gia cũng cho rằng nếu có thể chế pháp lý rõ ràng, xử lý được tất cả những vấn đề còn tồn tại thì sẽ có con đường thênh thang, rộng mở để các BV có thể thỏa sức sáng tạo. Từ đó, có thể phát triển bệnh viện một cách bền vững và người thụ hưởng chính là người dân.

SỐ CA MẮC SỐT XUẤT HUYẾT TIẾP TỤC TĂNG MẠNH 

Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao tại nhiều địa phương trong cả nước, tỷ lệ ca nặng và tử vong cũng tang ở mức đáng lo ngại. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 303 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, tăng 4,9 lần so với năm 2021, trong đó có 112 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

So với năm 2021, số ca tử vong tăng 88 trường hợp. Số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần này cũng tăng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó. Sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Do đó, các chuyên gia cũng như các bác sĩ đều khuyến cáo người dân cần tham gia bảo hiểm y tế để yên tâm khi ốm, phải nhập viện. Đồng thời, người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà tránh biến chứng nguy hiểm.