• 2697 lượt xem
  • 14:02 16/06/2022
  • Xã hội

Điểm báo 16/6: Bệnh viện thiếu thuốc do “đứt gãy” nhu cầu mua sắm

Bệnh viện thiếu thuốc do “đứt gãy” nhu cầu mua sắm; Xăng dầu tăng giá, ngư dân cầm chừng… bám biển; Kiểm soát room tín dụng, tránh cuộc đua lãi suất; Hàng không Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 16/6.

BỆNH VIỆN THIẾU THUỐC DO “ĐỨT GÃY” NHU CẦU MUA SẮM

Hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm… đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Lý do là vì các nhà thầu dè dặt cung cấp, giám đốc các bệnh viện không mặn mà thực hiện các gói thầu mua sắm. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại. 

Theo Báo Giáo dục và Thời đại, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện trên khắp cả nước. Bị ảnh hưởng lớn nhất là người bệnh khi họ bị tước quyền lợi khi khám chữa bệnh vì không được hưởng các loại thuốc, vật tư y tế mà bảo hiểm y tế chi trả. Phát biểu về tình trạng này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sau đại dịch, hàng loạt các vụ thanh, kiểm tra, xử lý sai phạm về y tế khiến không chỉ người trong ngành, mà bên ngoài cũng e dè. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là điều đáng quan ngại vì ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh. Họ phải mua vật tư, thuốc ở bên ngoài với giá cao, nhưng không kiểm soát được chất lượng .

XĂNG DẦU TĂNG GIÁ, NGƯ DÂN CẦM CHỪNG… BÁM BIỂN

Việc giá xăng liên tục lập đỉnh cũng là một trong những vấn đề nóng được báo chí đăng tải. Trên báo Lao Động có bài viết “Xăng dầu tăng giá, ngư dân cầm chừng bám biển.”

Theo báo Lao Động, giá dầu tăng cao khiến cho ngành khai thác thủy sản phía Nam rơi vào khó khăn. Nhiều ngư dân than rất khó bám biển nếu giá dầu tăng, trong khi giá cá, tôm vẫn đứng im. Trước áp lực giá xăng, dầu không ít ngư dân chấp nhận neo tàu một thời gian chờ giá xăng, dầu giảm nhiệt. Các chủ tàu bám biển chấp nhận hòa, thậm chí lỗ để duy trì cuộc sống cho những ngư phủ trên ghe. Trước khó khăn trên, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương khuyến khích các chủ tàu tránh tình trạng lấy lý do giá xăng, dầu cao rồi tăng giá vô tội vạ.

KIỂM SOÁT ROOM TÍN DỤNG, TRÁNH CUỘC ĐUA LÃI SUẤT 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu không kiểm soát việc nới room tín dụng sẽ làm tăng nguy cơ nợ xấu, cũng như áp lực lạm phát. 

Theo báo điện tử VTV, Ngân hàng Nhà nước phải đi “hai chân” - vừa quản trị các ngân hàng thương mại theo chuẩn mực quốc tế; vừa kiểm soát tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước 3 năm trở lại đây cho thấy, room tín dụng mà các ngân hàng thương mại đăng ký luôn trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Nếu nới room tín dụng áp lực với lạm phát là rất lớn. Bởi vì để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng room tín dụng. 

HÀNG KHÔNG VIỆT NAM PHỤC HỒI NHANH NHẤT THẾ GIỚI

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế vừa công bố báo cáo mới nhất về sự phục hồi của thị trường hàng không. Theo công bố này, Việt Nam bất ngờ đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Theo báo Giao thông, dự kiến trong năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước ước đạt 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Năm 2022, ngành hàng không Việt Nam được kỳ vọng phục hồi, khả năng cạnh tranh đạt mức trước đại dịch, chỉ số hiệu quả cơ bản về hoạt động của ngành cũng trở về trạng thái bình thường trước đại dịch. Riêng dịp cao điểm 30/4 vừa qua, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay Việt Nam ước đạt hơn 1,1 triệu hành khách.