Điểm báo 15/6: Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

“Thế khó” với kiểm soát lạm phát; Lạm phát làm nóng lãi suất; Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; Thách thức chính sách khi giảm năm đóng bảo hiểm xã hội... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 15/6/2022.

“THẾ KHÓ” VỚI KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

Với mức tăng lạm phát 5 tháng đầu năm, dư địa cho 7 tháng còn lại không nhiều. Các chuyên gia kinh tế lo ngại áp lực lạm phát gia tăng, gây khó khăn cho việc điều hành kinh tế vĩ mô. Ở vào “thế khó” trong bối cảnh vừa phải kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, nhưng Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu đề ra. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Theo phân tích của một số chuyên gia, năm nay lạm phát toàn cầu, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu, chi phí dịch vụ và nhiều chi phí khác đã và đang tăng lên. Là nền kinh tế mở nên Việt Nam cũng “nhập khẩu” lạm phát. Dự đoán lạm phát năm 2022 có thể ở mức từ 3,8 – 4,2%.Thời gian tới, Chính phủ cần có nhiều giải pháp căn cơ hơn để kìm hãm tăng giá xăng dầu - là đầu vào của nền kinh tế. Không nên để giá xăng dầu theo đúng nhịp giá thế giới, không để nền kinh tế bị tổn thương quá lớn do lạm phát. Các dự báo gần đây đều cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6 - 7%, lạm phát khoảng 4%. Tuy nhiên mức dự báo thận trọng hơn, kinh tế có thể chỉ đạt 4,5 - 5% và lạm phát ở kịch bản xấu nhất có thể ở mức 4,2 - 4,5%, thậm chí cao hơn, do đó, chúng ta không thể chủ quan trước lạm phát. 

LẠM PHÁT LÀM NÓNG LÃI SUẤT

Còn trên báo Kinh tế và Đô thị có bài viết “Lạm phát làm nóng lãi suất”.

Theo bài viết, tháng 6/2022, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, với biên độ phổ biến 0,1 - 0,5%/năm, thậm chí có nhà băng tăng đến 0,8%. Không còn dừng lại ở cục bộ một số ngân hàng nhỏ mà đã trở thành xu hướng, khi hầu hết nhà băng đã nhập cuộc. Áp lực lạm phát tác động lên tâm lý người gửi tiền đang là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng phải nhanh chóng tăng lãi suất huy động để giữ chân người gửi tiền. Một số ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân cho năm 2022, cho thấy nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang mạnh mẽ như thế nào. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc cạnh tranh huy động vốn sẽ càng thêm gay go và quyết liệt trong thời gian còn lại của năm nay. 

BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH CHÍNH PHỦ ĐỀ XUẤT GIẢM KỊCH KHUNG THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỚI XĂNG DẦU

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Thông tin trên báo Tuổi trẻ.

Giá bán xăng dầu trong nước tăng cao nhất từ trước đến nay. Mức giá mới nhất được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam áp dụng từ 15h ngày 13-6 với xăng RON 95-V vùng 2 đã đạt đỉnh 33.620 đồng/lít, dầu diesel được bán 30.410 đồng/lít.  Hiện thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 2.000 đồng/lít và với các mặt hàng dầu còn 1.000 đồng/lít. Mức thuế đề xuất giảm đối với xăng dầu chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính khẳng định sẽ giúp kéo giá bán xăng dầu trong nước xuống trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội. Theo Bộ Tài chính, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sau khi được Chính phủ xem xét sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. 

THÁCH THỨC CHÍNH SÁCH KHI GIẢM NĂM ĐÓNG BHXH

Chuyển sang thông tin liên quan đến chính sách khi giảm năm đóng Bảo hiểm xã hội. Báo điện tử Vnexpress phân tích ý kiến của một số chuyên gia cho rằng việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội 10-15 năm giúp nhóm tham gia trễ tiếp cận lương hưu, song không tính kỹ nhiều lao động sẽ bất an, chọn rút một lần.  

Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho hay, nhiều người làm các công việc bấp bênh, chỉ gắn bó một nơi 3-4 năm rồi mất việc, tạm ngưng tham gia BHXH. Khi họ hết tuổi lao động, tổng thời gian cộng dồn chưa đủ 20 năm. Do đó, giảm năm đóng BHXH giúp các trường hợp này được hưởng lương hưu. Trong khi đó, có ý kiến khác cho rằng giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm thực tế không mới, "nói đúng hơn là quay về cái cũ". Do vậy cần tính toán kỹ để chính sách "không xảy ra tác dụng phụ". Nghĩa là để đạt được mục đích nhóm thiểu số tham gia trễ, thời gian đóng ít được hưởng lương hưu lại khiến đa số lao động bất an, tìm cách nhận trợ cấp một lần trước khi luật ban hành.