Điểm báo 14/08: Gỡ khó cho doanh nghiệp thuỷ sản khi nguyên liệu khan hiếm

5 khó khăn cần tháo gỡ cho doanh nghiệp thuỷ sản; Giá xăng dầu giảm liên tiếp, hàng hoá, dịch vụ giảm "nhỏ giọt"; Nguồn cung bất động sản công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu; Nguy hiểm rình rập trẻ trên môi trường mạng... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 14/08/2022

5 KHÓ KHĂN CẦN THÁO GỠ CHO DOANH NGHIỆP THUỶ SẢN

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong 7 tháng đầu năm, song hiện nay các doanh nghiệp thủy sản đang đứng trước 5 thách thức lớn cần được tháo gỡ. Cụ thể, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là khan hiếm nguyên liệu vì hết mùa vụ. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí sản xuất tăng cao khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Ngoài ra chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng, nên hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao. Vấn đề nữa là thách thức trong chi phí tuân thủ xử lý môi trường, một trong ba trụ cột để phát triển bền vững.

GIÁ XĂNG DẦU GIẢM LIÊN TIẾP, HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ GIẢM GIÁ “NHỎ GIỌT”

Mặc dù giá xăng dầu đã giảm lần thứ 5 liên tiếp nhưng giá nhiều mặt hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương xứng.

Theo các chuyên gia, việc tăng, giảm giá hàng hóa trên thị trường hiện nay dựa trên quy luật cung cầu và phụ thuộc nhiều vào yếu tố chi phí đầu vào, nhất là giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Đồng tình với độ trễ của việc điều chỉnh giá cả trên thị trường nhưng độ trễ không thể kéo dài đến hàng tháng mà chỉ có thể một vài tuần sau khi giá xăng giảm. Do vậy, các chuyên gia đầu ngành cho rằng, cần phải đồng bộ các giải pháp, phải thanh tra, kiểm tra, giám sát, phải tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh cả trước mắt và lâu dài, nếu bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, sẽ kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh giải pháp hàng đầu phải được chú ý và triển khai thực hiện có hiệu quả là các biện pháp điều tiết, luôn bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trong mọi tình huống và không được để đứt gãy nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tất cả các vùng miền và các thời điểm. 

NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NHU CẦU

Công nghiệp logistics Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ kéo theo nhu cầu cho bất động sản logistics cũng tăng cao. Tuy nhiên với nguồn cung hạn chế, Việt Nam cần tìm các giải pháp để kịp thời đáp ứng nhu cầu hoạt động và những xu hướng mới trong lĩnh vực hậu cần kho bãi...

Theo bài viết, Việt Nam được đánh giá là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần, đặc biệt trước sự phát triển của ngành thương mại điện tử. Điều này cũng đi đôi với tăng nhu cầu về bất động sản công nghiệp chất lượng cao. Với ngành logistics, Việt Nam hiện nay vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng. Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang định hướng ngành công nghiệp theo chuỗi giá trị, tập trung vào những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Cùng với sự cải thiện trong trình độ tay nghề, Những điểm này sẽ tạo ra giá trị cho ngành công nghiệp quốc nội, từ đó, đóng góp tích cực vào hoạt động xuất-nhập khẩu và nền kinh tế Việt Nam. 

NGUY HIỂM RÌNH RẬP TRẺ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng đài 111, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã nhận được hơn 282.000 cuộc gọi. Trong đó, có 287 cuộc gọi về các vụ việc xâm hại trên môi trường mạng. Đáng chú ý là có những vụ việc trẻ em bị dụ dỗ chụp ảnh khoả thân. Những tác động và ảnh hưởng từ “thế giới ảo” đang ngày càng gia tăng và nguy hiểm. 

Năm 2020, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng chiếm khoảng hơn 2% trong số những cuộc gọi tư vấn và can thiệp chuyên sâu. Đến năm 2021, tỷ lệ này chiếm khoảng 3,5 % và trong 6 tháng đầu năm 2022 thì tỷ lệ này đã hơn 4 %. Đây là thực trạng đáng lo ngại và cần phải được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, theo ý kiến các chuyên gia, hiện nay công tác truyền thông và nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Để bảo vệ trẻ em, ngoài hành lang chế tài, gia đình, nhà trường... phải là những “bức tường lửa” để giúp trẻ đứng vững trước những nguy cơ của thế giới mạng.