Điểm báo 11/8: Nghịch lý giá cước vận tải

Nghịch lý giá cước vận tải; Giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà: Mới đạt 8,36% so với 3,4 triệu lao động; Hỗ trợ công nhân thuê nhà: Vẫn chuyện "có tiền không thể tiêu"; Bất cập trong quản lý, sử dụng đất khiến doanh nghiệp Nhà nước điêu đứng; Liên tiếp xảy ra các vụ hành hung nhân viên y tế: Khám chữa bệnh trong lo âu, sợ hãi... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 11/8.

NGHỊCH LÝ GIÁ CƯỚC VẬN TẢI

Bất chấp việc giá xăng, dầu đã giảm mạnh trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn kiên quyết không giảm giá vé. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Sau một thời gian liên tục tăng cao, trong khoảng hơn một tháng vừa qua, với sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý Nhà nước, giá xăng, dầu trong nước đã liên tục giảm mạnh. Cụ thể, trong 6 lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng, dầu hiện đã giảm tới hơn 20% so với cách đây hơn một tháng. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vận tải cần điều chỉnh giảm giá vé cho phù hợp với giá nhiên liệu trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các doanh nghiệp vận tải khách đường bộ vẫn “án binh bất động” để mặc cho giá vé neo cao. Theo các chuyên gia, thủ tục điều chỉnh giá cước đối với dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô mà cụ thể là đối với xe khách và xe taxi hiện nay tương đối phức tạp. Theo đó, doanh nghiệp nào muốn điều chỉnh giá cước thì phải đăng ký với cơ quan chức năng.

GIẢI NGÂN TIỀN HỖ TRỢ THUÊ NHÀ: MỚI ĐẠT 8,36% SO VỚI 3,4 TRIỆU LAO ĐỘNG  

Đến ngày 6/8, vẫn còn 12 địa phương chưa thực hiện giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà trọ cho người lao động. Thông tin mới đây được đăng tải trên báo Lao động.

Theo báo cáo nhanh của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Tính đến 9h ngày 6/8, đã có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ. 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Cao Bằng báo cáo rà soát không có đối tượng. 12 địa phương chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh.

Trên báo điện tử Dân trí cũng có bài viết liên quan đến nội dung này. Theo bài viết, bên cạnh nguyên nhân từ người lao động cũng như người sử dụng lao động thì ở đây sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương là rất quan trọng. Các địa phương cần nhanh chóng rà soát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn, đưa ra các giải pháp kịp thời và công khai thông tin để người dân giám sát.

BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT KHIẾN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐIÊU ĐỨNG 

Doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM đang gặp khó khăn về các vấn đề liên quan đến đất đai. Những quy định về quản lý đất, sử dụng đất đang làm không ít doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng phải giải thể. Trên báo điện tử VOV có bài viết phân tích về nội dung này.

Hiện nay, pháp luật về đất đai còn nhiều vướng mắc, chính bởi vậy, việc định giá đất cũng gặp nhiều khó khăn so với thực tiễn cuộc sống. Theo ông Nguyễn Như Bình- Trưởng phòng kinh tế đất - Sở TN&MT TP.HCM, các hồ sơ cũ vẫn chưa có quy định chuyển tiếp nên xử lý gặp nhiều bất cập. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc và công khai minh bạch về giá đất, để giúp doanh nghiệp ước tính được nghĩa vụ tài chính phải thực hiện. Nhưng đó là mong muốn vì để giải quyết được vẫn còn rất khó khăn.

LIÊN TIẾP XẢY RA CÁC VỤ HÀNH HUNG NHÂN VIÊN Y TẾ: KHÁM CHỮA BỆNH TRONG LO ÂU, SỢ HÃI

Liên tục các vụ đe dọa, hành hung, thậm chí tấn công nhân viên y tế bằng dao nhọn… xảy ra trong thời gian gần đây khiến dư luận bức xúc, lo lắng. Nhân viên y tế đang tận tâm tận lực cứu người nhưng lại đang phải chịu quá nhiều “búa rìu” từ chính người mà mình đang cứu.

Theo bài viết trên báo Nông thôn ngày nay, trong thời gian qua, tại các bệnh viện liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế làm mất trật tự, an ninh, an toàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế. Có thể nhận thấy, nhân viên y tế đang bị tấn công vì đủ lý do khác nhau, thậm chí là cả khi khuyên giải để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân thì bệnh nhân và người nhà cũng không nghe và tấn công các bác sĩ. Trước vấn nạn bạo hành nhân viên y tế, nhiều bệnh viện đã phải thiết lập hệ thống “báo động đỏ”, “báo động xám” để kích hoạt sự trợ giúp trong ngoài bệnh viện khi có nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân tấn công.