Điểm báo 11/1: Doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng, dầu, nhiều lo ngại

Doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng, dầu nhiều lo ngại; Chương trình giáo dục phổ thông mới: nhiều nút thắt cần gỡ; Kinh tế năm 2023 chú trọng hướng tới mục tiêu phát triển xanh ;... là những tin nổi bật rên mặt báo sáng ngày 11/1.

DOANH NGHIỆP TỰ QUYẾT GIÁ BÁN XĂNG, DẦU, NHIỀU LO NGẠI  

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo sửa đổi nghị định về các quy định kinh doanh xăng, dầu trong đó có vấn đề rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng, dầu và Nhà nước chỉ công bố giá định hướng còn DN tự quyết định giá bán lẻ xăng, dầu. Đây là hai nội dung thu hút sự quan tâm lớn của các DN, hiệp hội, chuyên gia... với nhiều quan điểm khác nhau. Việc các doanh nghiệp được điều chỉnh mức giá xăng, dầu sẽ tác động tích cực vào thị trường, giúp giá cả cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng, mà vẫn đảm bảo được nguồn lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp. Ngược lại, nhiều người tiêu dùng thẳng thắn cho rằng, xăng, dầu có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, không thể để DN tự quyết giá. Vấn đề hiện tại là cơ quan quản lý cần khảo sát lại hệ thống phân phối, giảm bớt khâu trung gian... từ đó quy định giá bán chung cho thị trường và DN tùy theo điều kiện thực tế của DN mà quyết định giá bán buôn. Liên quan đến thời gian điều chỉnh giá xăng, các chuyên gia cho rằng Nhà nước nên kiểm soát bằng các các công cụ như thuế, phí… chứ không nên điều hành giá theo kỳ như hiện nay. Khi giá xăng được tự do cạnh tranh trên thị trường, tự động thị trường sẽ hình thành nhiều mức giá cao, thấp khác nhau và vận hành trơn tru, ổn định.

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI: NHIỀU NÚT THẮT CẦN GỠ

Theo thông tin bài viết được đăng tải trên báo Đại đoàn kết, ở năm thứ 2 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, câu chuyện sách giáo khoa vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Cần làm gì để tháo gỡ, hạn chế những bất cập trong quá trình triển khai dạy và học? Do điều kiện nguồn nhân lực hạn chế nên hiện nay hầu hết các trường vẫn tổ chức giảng dạy theo hình thức 2-3 giáo viên một môn tích hợp. Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng là vấn đề với nhiều nhà trường khi phải thay đổi thường xuyên để phù hợp với nội dung bài học và đội ngũ nhân lực hiện có. Chuyên gia trong ngành cho rằng, thời gian đầu triển khai chương trình mới có thể còn vội vã nhưng đến thời điểm này, sau hơn 2 năm, ngành giáo dục phải có kế hoạch, thực nghiệm, xem xét kỹ lưỡng về vấn đề SGK. Nếu bộ sách nào sai ở mức độ nhẹ thì phải tiếp thu, sửa chữa, còn ở mức độ không thể chấp nhận được thì phải hủy bỏ. Cần tiếp tục tăng cường quá trình dạy thử nghiệm để phát hiện sai sót cũng như sự phù hợp của kiến thức đối với học sinh, giáo viên. Rất nhiều những bất cập sẽ được phát hiện trong quá trình dạy thực nghiệm.

KINH TẾ NĂM 2023 CHÚ TRỌNG HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN XANH

Một trong những xu hướng mới được nhiều nước hiện nay đang chú trọng đó là, tiêu dùng quan tâm nhiều đến môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt là cần chú trọng tới mục tiêu phát triển xanh. Theo các chuyên gia, nếu không phát triển xanh, thì xả thải càng ảnh hưởng đến tỷ trọng nền kinh tế, đến một lúc nào đó, sản phẩm sản xuất ra sẽ không được ưa chuộng trên thế giới. Do đó để đáp ứng được yếu tố phát triển theo hướng “xanh hoá” trong hoạt động của mình, doanh nghiệp phải có tinh thần chủ động để thay đổi công nghệ và phát triển xanh. Bên cạnh đó, hiện nhiều nhà đầu tư tiềm năng của Châu Âu đang sang Việt Nam để khảo sát, đầu tư trong thời gian tới. Khi đầu tư sang Việt Nam, thế mạnh của các doanh nghiệp Châu Âu là đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xanh - đây là vấn đề mà Việt Nam cần phải làm quyết liệt để chuyển đổi hạ tầng nhằm đáp ứng được xu thế mới.

NĂM 2023 THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA THẬN TRỌNG, HIỆU QUẢ

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thu vượt dự toán ngân sách 2022 sẽ giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, thận trọng, hiệu quả trong năm 2023. Bài viết được đăng tải trên trang nhất Thời báo kinh tế và đô thị số ra sáng nay 11/1.

Nhìn vào số liệu thì dự toán thu NSNN năm 2023 khá thận trọng so với ước thực hiện năm 2022, tỷ lệ huy động NSNN so GDP cũng ở mức thấp. Với bối cảnh hiện nay, các yếu tố khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều. Để chủ động trong điều hành, việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 chắc chắn, phù hợp với khả năng của nền kinh tế là yêu cầu rất cấp thiết. Nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ với Bộ Tài chính trong điều hành, khi nguồn thu ngày càng bị hẹp lại mà nhiệm vụ chi cho phát triển kinh tế - xã hội, chi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vẫn cần thiết. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.