Điểm báo 08/11: Gần 900 nghìn tỷ nhà nước “mắc kẹt” ở ngân hàng, khơi thông cách nào?

Dự thảo luật đất đai (Sửa đổi): Cần lời giải cho bài toán khó; Gần 900 nghìn tỷ nhà nước “mắc kẹt” ở ngân hàng, khơi thông cách nào?; Doanh nghiệp vận tải chật vật vì cửa hàng xăng dầu bán “nhỏ giọt”... là những tin tức có trong điểm báo hôm nay.

DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN LỜI GIẢI CHO CÁC BÀI TOÁN KHÓ

 Liên quan đến Luật đất đai sửa đổi, theo báo Tuổi trẻ, khoảng 70% vụ khiếu nại, khiếu kiện từ lĩnh vực đất đai, cho thấy lần sửa đổi Luật đất đai này, cần nhìn nhận thận trọng, kỹ càng về điểm luôn tiềm ẩn "ngòi nổ" cho những vụ việc bất ổn lớn, dai dẳng, đó là: thu hồi đất.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Cần lời giải cho bài toán khó. Đây là tiêu đề bài viết trên báo Tuổi trẻ. Đọc dự thảo Luật đất đai vừa được trình cũng chưa thấy được sự "đột phá" trong quan điểm Nhà nước đứng ra thu hồi đất, và khái niệm thu hồi "vì mục đích phát triển kinh tế, lợi ích quốc gia, công cộng vẫn còn chung chung. Mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể của từng dự án chưa được minh định. Thậm chí xét về phạm vi thu hồi, dự luật còn bổ sung thêm một số dự án. Theo báo Tuổi trẻ, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn phải đặt câu hỏi: "Tại sao Nhà nước phải thu hồi đất mà không để dân - doanh nghiệp tự thương lượng?"

GẦN 900 NGHÌN TỶ NHÀ NƯỚC “MẮC KẸT” Ở NGÂN HÀNG, KHƠI THÔNG CÁCH NÀO?

"Mổ xẻ" gần 900 ngàn tỷ đồng ngân sách đang "nằm yên" trong ngân hàng cho thấy lỗi của sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công đến từ nhiều phía. Điều cần làm lúc này là "khơi thông" ách tắc thúc giải ngân tạo động lực mạnh phát triển kinh tế. Bài viết trên báo Tiền phong.

Theo báo Tiền phong, Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đang chậm kỷ lục. Ngân sách chưa tiêu hết, gửi tại ngân hàng nhưng Bộ Tài chính là cơ quan “tay hòm chìa khóa” nên buộc phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn theo đúng kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra, đáp ứng yêu cầu chi tiêu của ngân sách Nhà nước. Giải ngân vốn đầu tư công năm nay có những đặc tính khác biệt so với năm trước đó, như đại dịch COVID-19 bùng phát căng thẳng, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng cao. Hàng loạt mặt hàng khác liên tục tăng giá như: sắt thép, vật liệu xây dựng, giá lương thực, thực phẩm đến thức ăn chăn nuôi…

Cân nhắc đưa xe máy khỏi diện bắt buộc mua bảo hiểm xe cơ giới

Theo báo Lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cân nhắc đưa xe máy khỏi diện bắt buộc mua bảo hiểm xe cơ giới.

Theo VCCI, thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Sau hơn 10 năm thực hiện, tỉ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp. Báo Lao động đề cập, VCCI kiến nghị, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội.

DOANH NGHIỆP VẬN TẢI CHẬT VẬT VÌ CỬA HÀNG XĂNG DẦU BÁN “NHỎ GIỌT”

Gần đây nhiều cửa hàng xăng dầu tại một số thành phố lớn vẫn trong tình trạng chăng dây, thông báo hết xăng. Những cửa hàng ít ỏi còn mở cửa lại luôn trong trạng thái ùn ứ, người dân chen chân chờ đến lượt để đổ. Báo Giao thông có bài viết “Doanh nghiệp vận tải chật vật vì cửa hàng xăng dầu bán nhỏ giọt”.

Báo Giao thông phản ánh, Nhằm tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cùng nhau, một số cửa hàng xăng dầu còn đề xuất với các chủ doanh nghiệp vận tải hỗ trợ thêm cho cửa hàng 500 đồng/lít dầu. Các doanh nghiệp cũng đành vui vẻ chấp nhận bởi mất thêm chút chi phí nhưng có nhiên liệu cho xe chạy còn hơn phải dừng hoạt động. Nhưng khó khăn hơn cả đó là việc các cửa hàng xăng dầu hiện không còn cho doanh nghiệp quyết toán chi phí nhiên liệu một cục vào cuối tháng như trước mà giờ đổ dầu phải trả tiền luôn, hoặc chậm nhất 2 ngày sau phải thanh toán cho các cửa hàng. Theo báo Giao thông, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết nếu tình trạng thiếu xăng dầu kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao, phá sản.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam