Điểm báo 05/03: Liên kết để không còn cảnh “Giải cứu”

Liên kết để không còn cảnh “Giải cứu”; Ban hành giá đất hàng năm: Lãng phí nguồn lực, có thể phản ứng ngược; Mua sắm thiết bị, hóa chất y tế: Còn phải chờ gỡ vướng trong khâu đấu thầu; Cẩn trọng tín dụng đen “đội lốt” vay tiêu dùng ... Là những tin có trong điểm báo sáng nay.

LIÊN KẾT ĐỂ KHÔNG CÒN CẢNH “GIẢI CỨU”

Những năm qua, tình trạng “được mùa rớt giá”, nông sản phải kêu gọi “giải cứu” không hiếm. Vì sao lại như vậy? Mời quí vị đến với bài viết trên báo Đại đoàn kết. Bên cạnh những cánh đồng tiền tỷ nhờ liên kết sản xuất thì câu chuyện “được mùa rớt giá”, “giải cứu” vẫn là câu chuyện nhức nhối với ngành nông nghiệp. Báo đại đoàn kết đặt câu hỏi, Phải chăng do thiếu thông tin thị trường nên nông dân thường chạy theo trồng những loại nông sản đang có giá cao một cách ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu? Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, khi cung vượt cầu, được mùa, mất giá đó là quy luật kinh tế. Để tránh tình trạng này, người dân không nên trồng quá nhiều, ồ ạt theo phong trào, tránh trồng rồi chặt, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ.

BAN HÀNH GIÁ ĐẤT HÀNG NĂM: LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC, CÓ THỂ PHẢN ỨNG NGƯỢC

Góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, một số địa phương cho rằng, việc ban hành bảng giá đất hàng năm là không khả thi, bởi khối lượng công việc để cho ra bảng giá đất là rất lớn. “Ban hành giá đất hàng năm: Lãng phí nguồn lực, có thể phản ứng ngược”, đây là tiêu đề bài viết trên báo Lao động. Báo Lao động phản ánh việc góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại Đà Nẵng. Theo đó, Các sở, ngành tại Đà Nẵng cho rằng, nếu mỗi năm một bảng giá khác nhau thì có nơi chỉ làm mỗi việc giá đất đã hết năm, trong khi không phải năm nào giá đất cũng biến động. Lý do là vì việc xây dựng bảng giá đất phải trải qua quy trình nhất định gồm nhiều bước chuẩn bị khác nhau. Ví dụ như lập dự án xây dựng bảng giá đất, lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát điều tra giá đất thị trường, tổng hợp kết quả, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, ban hành. Vì vậy, nếu làm hàng năm thì nguồn lực địa phương không đáp ứng nổi.

MUA SẮM THIẾT BỊ, HÓA CHẤT Y TẾ: CÒN PHẢI CHỜ GỠ VƯỚNG TRONG KHÂU ĐẤU THẦU

Hiện, nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn trong cơ chế đấu thầu, mua bán vật tư, hóa chất xét nghiệm. Nhiều bệnh viện cho biết, thậm chí còn phải hạn chế mổ phiên. Hiện các bệnh viện vẫn chờ gỡ vướng trong đấu thầu. Bài viết trên báo Giao thông. Theo đó, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 07, giải quyết “ách tắc” ở khâu nhập khẩu thiết bị, hóa chất y tế. Bộ Y tế nhận định, nghị định sửa đổi lần này giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng trang thiết bị y tế nhập khẩu tại các cửa khẩu. Dự kiến, nếu thuận lợi trong việc mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất trong thời gian tới thì sớm nhất khoảng 1 tháng nữa, việc mổ phiên có thể trở lại thường quy.

CẨN TRỌNG TÍN DỤNG ĐEN “ĐỘI LỐT” VAY TIÊU DÙNG

Thời báo Ngân hàng có bài viết cảnh báo về hoạt động tín dụng đen “đội lốt” vay tiêu dùng để tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay tiền. Các đối tượng này thường hướng đến khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp cần vay một vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng. Với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng... các đối tượng này nhanh chóng thu hút được “thượng đế”. Theo thời báo ngân hàng, Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng. Khi “con nợ” đã lỡ sa chân, các đối tượng này có muôn vàn cách đòi nợ khác nhau, thậm chí là trái pháp luật để người vay phải trả tiền. Đã không ít trường hợp người vay cầu cứu các cơ quan chức năng khi “nợ chồng nợ”, số tiền lãi gấp nhiều lần số tiền gốc.

Thùy Trang