Điểm báo 01/12: Đề nghị bác sĩ nước ngoài phải thông thạo Tiếng Việt có phù hợp thực tế?

Đề nghị bác sĩ nước ngoài phải thông thạo Tiếng Việt có phù hợp thực tế?; Khi nào sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy?; Giải pháp nào khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản?; Cao tốc bắc giang - lạng sơn nguy cơ vỡ phương án tài chính; Kinh tế Việt Nam nỗ lực ổn định trong bất định ... là những tin chú ý có trong điểm báo sáng nay.

ĐỀ NGHỊ BÁC SĨ NƯỚC NGOÀI PHẢI THÔNG THẠO TIẾNG VIỆT CÓ PHÙ HỢP?

Theo phương án đang được lấy ý kiến tại Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), người hành nghề nước ngoài lâu dài tại Việt Nam phải thành thạo tiếng Việt. Sở Y tế TPHCM và một số bác sĩ cũng vừa có đề nghị liên quan đến vấn đề này. bài viết trên báo lao động

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TPHCM chia sẻ quan điểm cá nhân của mình cho rằng không nhất thiết yêu cầu bác sĩ người nước ngoài nói được tiếng Việt. Bởi việc này sẽ khiến người dân khó tiếp xúc được bác sĩ nước ngoài hơn. Để vừa đạt hiệu quả trong khám, chữa bệnh và thuận lợi hơn trong quản lý những bác sĩ là người nước ngoài, có ý kiến cho rằng, chỉ cần kiểm soát hệ thống đảm bảo được người dân hiểu rõ khi đi khám bệnh tại cơ sở y tế bác sĩ nước ngoài làm việc, việc này sẽ tốt hơn là bắt buộc bác sĩ nước ngoài phải biết thành thạo tiếng Việt.

KHI NÀO SẼ BỎ SỔ HỘ KHẨU GIẤY?

Sau ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu giấy hết giá trị, thay vào đó, Nhà nước sẽ quản lý trên môi trường điện tử và người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trong các thủ tục hành chính.

Theo bài viết trên báo đại đoàn kết, Để thực hiện các thủ tục hành chính, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử được tạo lập và xác thực trên hệ thống VNeID của Bộ Công an. Danh tính, tài khoản định danh của mỗi cá nhân, tổ chức đều sử dụng duy nhất một mã số là mã định danh. Số này được cấp từ khi sinh ra đến khi mất đi và không lặp lại ở người khác. Có tài khoản này, khi làm các thủ tục hành chính cần xuất trình giấy tờ, công dân chỉ cần mở ứng dụng và trình các giấy tờ đã tích hợp trong ứng dụng cho đơn vị yêu cầu.

GIẢI PHÁP NÀO KHƠI THÔNG DÒNG VỐN CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN?

Giải pháp nào khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản? Bài viết phân tích trên Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo các chuyên gia, để khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, bên cạnh nguồn vốn tín dụng đang bị siết chặt, các doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng hóa huy động nguồn vốn và chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp để tồn tại. Cũng theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp thiếu vốn trong khi vay ngân hàng cần tài sản đảm bảo, quy trình mất thời gian; vay vốn lưu động không được nhiều do sản xuất, kinh doanh khó khăn nên phải tìm cách huy động vốn mới để đảm bảo hoạt

CAO TỐC BẮC GIANG - LẠNG SƠN NGUY CƠ VỠ PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH

Sau hơn 2 năm khai thác, doanh thu dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn mới đạt 31% so với phương án tài chính. Trên báo điện tử Vnxpress có bài viết: Cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn nguy cơ vỡ phương án tài chính

Theo đại diện Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, Dự án bị sụt giảm doanh thu do phải giảm một trạm thu phí trên quốc lộ 1 theo đề nghị của tỉnh Lạng Sơn. Doanh nghiệp dự án đã miễn giảm phí cho hơn 4.200 phương tiện của người dân địa phương khiến giảm khoảng 84 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó là dịch bệnh Covid-19 khiến phương tiện đi lại giảm mạnh. Tham gia chương trình giám sát về các dự án hạ tầng giao thông, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đã kiểm tra và ghi nhận khó khăn của dự án này. Đồng thời cho biết sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền tuân thủ cam kết hỗ trợ cho dự án và tiếp tục đầu tư đoạn cao tốc Chi Lăng - Lạng Sơn

KINH TẾ VIỆT NAM NỖ LỰC ỔN ĐỊNH TRONG BẤT ĐỊNH

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung 11 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước cho thấy khối ngành sản xuất vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng. Thông tin đáng chú ý này được đăng tải trên báo điện tử VOV

Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố số liệu kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2022 với nhiều điểm đáng chú ý về hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư, xuất nhập khẩu cùng sự tham gia thị trường của doanh nghiệp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11/2022 ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11 vẫn duy trì được nhịp độ tốt khi kim ngạch xuất khẩu đạt 29,18 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 28,4 tỷ USD. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 23 % so với tháng trước… cho thấy kinh tế Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng ổn định, trong bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều biến động.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam