• 1075 lượt xem
  • 07:29 13/08/2022
  • Văn hóa

Di tích Nhà máy in tiền vắng bóng du khách vì thiếu hiện vật trưng bày

Tại Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam, nơi tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng trong thời kỳ đặt nền móng xây dựng ngành Tài chính nước nhà, đang trăn trở với nỗi lo thiếu hiện vật trưng bày liên quan đến giá trị văn hoá, lịch sử của Khu Di tích.

Đây là nguyên nhân dẫn đến thực trạng dù du lịch đang trên đà phục hồi nhưng nhiều di tích lịch sử trong đó có Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam vẫn đang vắng bóng du khách. 

Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê (thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng từ năm 2007. Đây cũng là nơi được kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là Nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Chị BÙI MINH HƯỜNG, Thuyết minh viên Khu Di tích Đồn điền Chi Nê và Nhà máy in tiền: “Di tích này được coi như là một địa chỉ đỏ của cách mạng. Ở đây du khách ngành tài chính kho bạc coi đây như là địa điểm về nguồn. Nơi đây được đón tiếp các đoàn khách trong tỉnh, ngoài tỉnh khắp cả nước đến tham quan, dâng hương , báo công. Cũng là một địa điểm để tổ chức lễ kết nạp Đảng, kết nạp đoàn tại khuôn viên khu di tích.”

Mặc dù vậy nhưng sau 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19, đến nay Khu di tích vẫn trong tình trạng vắng bóng du khách. Nơi đặt nhà máy in tiền 1946-1947 gồm 2 dãy nhà với 6 gian phòng. Tuy nhiên các hiện vật hiện nay mới đủ để trưng bày được 2 gian. Các hiện vật ở đây cũng mới chỉ dừng ở mức độ “tái tạo”, mô phỏng không gian in, kiểm tra chất lượng và đóng gói tiền, còn “phần hồn”- yếu tố quan trọng và quyết định giá trị và chất lượng của di tích là đồng tiền Việt Nam qua các thời kỳ và thiết bị thời kỳ đầu hiện nay vẫn chưa được sưu tầm đầy đủ.  

Bà ĐINH THỊ BÌNH, Phó Ban quản lý Khu Di tích Đồn điền Chi Nê và Nhà máy in tiền: “Khó khăn và mong muốn của các đơn vị là sưu tầm các cuộc sưu tập từ thời Đinh, thời Lê, thời Trần qua các thời kỳ mà trước khi mình lưu hành các đồng tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Làm sao có các đồng tiền sưu tầm được từ thời kỳ đầu  để người Việt Nam có thể trở lại cội nguồn, tìm về thời kỳ đầu các đồng tiền lưu thông của nước Việt Nam. Đó là những hạn chế hiện tại đơn vị vẫn chưa làm được.” 

15 năm kể từ khi được xếp hạng di tích quốc gia, những hiện vật liên quan đến nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê cũng như những dấu ấn lịch sử, cách mạng liên quan đến Khu di tích được đơn vị quản lý di tích tìm kiếm, phục dựng còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu của du khách. Đến nay, một phần Khu di tích Nhà máy in tiền đã bị thay đổi và xuống cấp, nhiều di vật bị thất lạc. Việc có quá ít hiện vật trưng bày tạo ra nút thắt trong việc tôn tạo, nâng tầm khu di tích.

Bà ĐINH THỊ BÌNH, Phó Ban quản lý Khu Di tích Đồn điền Chi Nê và Nhà máy in tiền: “Với những mong muốn khai thác bảo tồn và phát huy giá trị thì đơn vị cũng có những kế hoạch lập tờ trình, báo cáo đề xuất các cấp trình đề cương trưng bày cũng như ma-két trưng bày và được lãnh đạo các cấp duyệt sưu tầm hiện vật để làm sao mình có các phòng trưng bày và các hiện vật từ đó tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu đến du khách trong nước và nước ngoài đến nền tài chính ở nước ta.” 

Đầu tư cho khu di tích, cốt lõi vẫn là hiện vật trưng bày phản ánh được giá trị văn hoá, lịch sử mà di tích được công nhận. Với tổng diện tích là 15,5 ha và mức đầu tư trên 270 tỉ đồng, Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn với du khách hơn nếu được quan tâm đầu tư cho công tác sưu tầm hiện vật lịch sử. 

Minh Quốc