• 1323 lượt xem
  • 23:58 22/06/2022
  • Văn hóa

Di sản Việt Nam |Số 8|: Bảo tồn không gian diễn xướng, phát huy giá trị di sản

Phần lớn di sản văn hóa thuộc về cộng đồng, do đó, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản là sự nghiệp của nhân dân, của toàn xã hội.

Nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy nguồn lực di sản văn hóa là mục tiêu quan trọng lâu dài, mang ý nghĩa then chốt. Tuy nhiên trước khi nói đến trách nhiệm và những nỗ lực của cộng đồng thì một hành lang pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo và giải quyết những bất cập đang là sự chờ đợi của những người gìn giữ di sản. Và phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ và phát huy giá trị di sản cũng là vấn đề chính chúng tôi nói tới trong chương trình Di sản Việt Nam hôm nay.

TRƯNG BÀY “ĐỨNG LÊN VÀ CẤT TIẾNG” TẠI KHU DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ TÙ HÒA LÒ

Trưng bày “Đứng lên và cất tiếng” tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Hòa Lò được thể hiện qua hai nội dung: Thứ nhất là Tiếng nói dân tộc thể hiện một số dấu ấn lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam kể từ khi chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên; nội dung thứ hai là Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng. Trưng bày cũng là lời tri ân dành cho những nhà báo - chiến sĩ đã hy sinh xương máu, cống hiến quên mình cho sự nghiệp vẻ vang của nền báo chí cách mạng vì dân. 

Giáo sư Sử học LÊ VĂN LAN: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo liệt sĩ, chiến sĩ tạo nên di sản vô giá và để lại và kết tụ lại nơi này rồi từ đó lan tỏa đi các nơi."

NHÂN DÂN NGHĨA KHÁNH NHỚ ƠN NGƯỜI

Những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tài sản, di sản vô giá để thế hệ mai sau hiểu hơn về nhân cách và những đóng góp vĩ đại của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cùng với đó,  những di sản vô giá ấy có ý nghĩa quan trọng trong lan tỏa và nối dài việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chính vì những điều ý nghĩa đó mà rất nhiều triển lãm, trưng bày về chủ đề Hồ Chí Minh đã diễn ra khắp cả nước.

Mới đây, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức triển lãm tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Nhân dân Nghĩa Khánh nhớ ơn Bác” nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An. 

Bên cạnh một số hình ảnh về nội dung chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương Nghệ An, Ban tổ chức cũng giới thiệu bộ sưu tập sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản trong và ngoài nước với khoảng hơn 200 ấn phẩm về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Người...

BẢO TÀNG PHỤ NỮ VÀ LỄ TIẾP NHẬN GẦN 500 HIỆN VẬT NHÂN KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ BẢO TÀNG

Từ giá trị của việc bảo tồn và gìn giữ di sản, hằng năm những người làm công tác bảo tàng và công chúng trên toàn thế giới hân hoan chào đón Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5  như một sự kiện ý nghĩa. Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5 cũng là ngày diễn ra Lễ tiếp nhận gần 500 hiện vật văn hóa Việt Nam do ông Mark Rapoport – một bác sĩ người Mỹ cùng gia đình trao tặng, trong đó có các bộ sưu tập tiêu biểu như: Dụng cụ sử dụng trong nông nghiệp, nhà bếp, ăn trầu, trang sức trang điểm, trang phục và đồ dệt, nghệ thuật điêu khắc tượng... 

Đặc biệt phải kể đến chiếc gùi 3 ngăn - một trong hai hiện vật đầu tiên ông Mark Rapoport đã mua trong chuyến công tác lần đầu tại Việt Nam năm 1969 từ những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam, hay bộ sưu tập bao đựng dao của người Nùng...

Ông MARK RAPOPORT: “Trong vòng 20 năm sinh sống tại Việt Nam, tôi rất yêu văn hóa Việt Nam và đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật từ khắp mọi nơi trên đất nước này. Nhưng bây giờ tôi đã già rồi và tôi muốn tìm một nơi để lưu giữ lại chúng, đó là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, tôi muốn bộ sưu tập của tôi sẽ mang ý nghĩa giáo dục, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa lịch sử.”

Trải qua bao thế kỷ cùng những biến động của cuộc sống, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể vẫn tồn tại và phát huy mạnh mẽ, có được điều đó là nhờ sự chung tay của cả cộng đồng, những chủ thể sáng tạo và những người yêu văn hóa di sản. Tuy nhiên, để di sản thực sự sống và được phát huy hiệu quả thì ngoài một tình yêu còn là những hành động và việc làm cụ thể. Vậy làm thế nào để phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ và phát huy giá trị di sản? 

Cùng chúng tôi trả lời cho câu hỏi này trong chương trình hôm nay, xin trân trọng giới thiệu vị khách mời GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia. 

Ngay sau đây, chúng tôi muốn mời quý vị và mời GS Từ Thị Loan đến với vùng đất quan họ, không phải chỉ để nghe quan họ mà còn để gặp gỡ những con người đang gìn giữ di sản theo cách riêng của mình.

LƯU GIỮ MẠCH NGUỒN VĂN HÓA QUAN HỌ

Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, luôn được các thế hệ người dân Bắc Ninh gìn giữ, phát huy, trao truyền để di sản được trường tồn và lan tỏa.

Ở làng Diềm – một trong những làng quan họ gốc của vùng Kinh Bắc  có đền thờ Thủy tổ Quan họ, quan họ vốn là máu thịt, là tình yêu và lẽ sống của biết bao người dân nơi đây. Với 2 chị em nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm và Nguyễn Thị Sang, tình yêu đó còn gom góp, đậm đặc từng ngày qua việc gìn giữ, bảo tồn một cách rất riêng tinh hoa dân tộc trong thư viện quan họ của mình.

Đắm say rồi miệt mài, cẩn trọng gìn giữ cái nghề của ông cha, 2 nghệ nhân được thừa hưởng gia tài quý báu với hàng trăm câu hát cổ. Thư viện quan họ của 2 nghệ nhân không đơn thuần chỉ có sách, báo, tài liệu, tranh ảnh mà ở đây giống như một bảo tàng thu nhỏ với nhiều hiện vật, quần áo, giày dép, nón khăn và các đồ dùng liên quan của liền anh, liền chị thuở xưa. Đặc biệt, ở đây có những bộ áo dài truyền thống ngũ thân, cài khuy bằng vải lụa sồi, có áo tứ thân thắt hai vạt trước bằng vải diềm bâu, vải thâm đất mà tuổi đời đã hơn 60 năm. Còn cả bộ xà tích quả đào bằng bạc pha kẽm mà năm xưa các liền chị dùng đựng kim chỉ, kèm ống đựng vôi.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thềm: “Chúng tôi cũng thỏa lòng vì đã gìn giữ được những cái gì quý giá nhất của các cụ để lại cho chúng tôi. Cách chơi trang phục, dép guốc của các cụ ngày xưa, bây giờ chúng tôi không tái hiện lại thì nó sẽ bị mai một đi”.

Công cuộc tìm kiếm, tầm giữ những kỷ vật quan họ xưa của hai nghệ nhân Sang,Thềm cũng chẳng dễ dàng. Bởi người xưa thường không có nhiều quần áo, phục trang như bây giờ. Thậm chí nhiều người, suốt thời thanh xuân có duy nhất một bộ quần áo để dành đi chơi quan họ, vì thế nếu họ còn giữ được thì chẳng mấy ai muốn cho đi mà để giữ làm kỷ niệm.  

Nghệ nhân Nguyễn Thị Sang: “Khi đi sưu tầm như thế này cũng có những khó khăn vì có người có 1 bộ nên người ta muốn giữ lại, khi mất thì mang đi bên mình. Chúng tôi phải thuyết phục và bỏ tiền túi ra mua bộ mới để đổi lại cho họ.”

Từ tình yêu với văn hoá quan họ và trách nhiệm với di sản, thư viện quan họ đã trở thành một không gian tuyệt vời để truyền dạy những làn điệu dân ca quan họ cũng như tình yêu quan họ cho các thế hệ trẻ quê nhà.

ÔNG NGUYỄN XUÂN TRUNG, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh: “Đây là những nghệ nhân rất giỏi, có vốn am hiểu về dân ca quan họ Bắc Ninh rất rộng, rất sâu sắc. Các chị sau khi được vinh danh là nghệ nhân dân ca quan họ đã làm tốt vai trò của nghệ nhân. Gần đây, chúng tôi còn thấy một mô hình rất tốt của chị Sang và chị Thềm, đó là các chị xây dựng được một bảo tàng để trưng bày những hiện vật liên quan đến sinh hoạt văn hóa quan họ trong cộng đồng. Tôi cho rằng đó là mô hình rất tốt, tiêu biểu, cần được nhân rộng ở các làng quan họ gốc”.

Thư viện quan họ đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.  

Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi với GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia!

BẢO TỒN KHÔNG GIAN DIỄN XƯỚNG – PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại - quan họ có không gian diễn sướng đa dạng, riêng có. Trong đó, nhà chứa quan họ được ví như linh hồn và trở thành không gian diễn xướng đặc biệt của người quan họ. Bên cạnh đó, không gian đình làng cũng là không gian truyền thống. Bởi vậy, việc phục dựng, duy trì và phát triển không gian diễn xướng quan họ là rất quan trọng để củng cố tình yêu, niềm đam mê của bao thế hệ những người yêu quan họ đồng thời góp phần nâng cánh cho quan họ lan tỏa, vươn xa.

Dân ca quan họ Kinh Bắc là một trong những loại hình nghệ thuật gắn liền với lễ hội. Không gian hát xướng mộc mạc, thân thuộc với cây đa, giếng nước, sân đình đã mang lại cảm giác gần gũi cho người nghe. Ngoài lễ hội, quan họ Kinh Bắc còn được biểu diễn ở không gian đình làng. Trong khung cảnh thanh bình của làng quê Việt, những câu hát canh quan họ với giọng ca mượt mà, đằm thắm, chân tình của liền anh, liền chị cất lên như lôi cuốn, thu hút người nghe, tạo cho con người những phút giây thăng hoa. 

Nghệ nhân NGguyễn Thị Hài: "Đình là một nơi linh thiêng nên khi hát quan họ ở trong đình chúng tôi cảm thấy không gian rất yên tĩnh, người quan họ sẽ thả hồn vào câu hát".

Nghệ nhân Nguyễn Đức Nhận: "Khi được ngồi hát trong không gian làng cổ như thế này, tôi cảm thấy mình rất phấn chấn và rất tự hào, giãi bày hết nỗi lòng của mình, về cội nguồn, những gì sâu sa của ngày xưa truyền lại thì mình phải cố gắng giữ để cho lớp sau học theo".

Ngày nay, không gian diễn xướng quan họ khá đa dạng, phong phú. Các liền anh, liền chị có thể hát ở các trung tâm văn hóa, trên các sân khấu hiện đại…. hoặc tại không gian riêng ở mỗi gia đình. Không gian hát xướng đình làng – nơi các liền anh, liền chị biểu diễn hát canh, hát thờ không còn là điểm đến thu hút người xem bởi các di tích văn hoá vật thể này đang bị xuống cấp và không đủ lớn để phục vụ đông đảo người xem.

Thạc sỹ NGUYỄN HỮU DUY- Phó Đoàn Nhà hát Quan họ Bắc Ninh: “Môi trường diễn sướng của quan họ xưa có lễ hội và không gian đình chùa chính vì vậy mà các công trình di tích lịch sử văn hóa chúng ta cần phải đầu tư tôn tạo đấy là một trong những môi trường để quan họ tham gia vào hát xướng chính vì vậy điều này sẽ là một việc tương đối quan trọng.”

Đình Diềm- di tích lịch sử văn hoá được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 thờ Đức Thánh Tam Giang. Đây là nơi các liền anh, liền chị của làng, hát Quan họ thờ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Đình Diềm bị xuống cấp và gặp nhiều khó khăn trong việc trùng tu các không gian này.

Ông NGUYỄN KIM VỀ - Chủ nhang Đình Diềm: “Chúng tôi là chủ nhang cũng mong muốn dù là có đến Đền Vua Bà là nơi giao lưu hát ở đó nhưng đình là của một làng và mọi người đến đều muốn đến đình để nghe nhưng lại giới thiệu đi chỗ khác.”

ÔNG NGUYỄN XUÂN TRUNG – Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh: “Việc hát dân ca quan họ ở đình hiện nay trong các làng quan họ vẫn được tiến hành và duy trì tuy nhiên đây đó một số địa phương đình làng có hiện tượng  xuống cấp thì tỉnh Bắc Ninh cũng rất quan tâm để trùng tu tôn tạo các đình đó tuy nhiên trong quá trình làm hồ sơ để trùng tu thì căn cứ vào Luật Di sản phải theo một số quy định chặt chẽ của Luật Di sản và Luật Xây dựng. Do vậy những hồ sơ trùng tu tôn tạo của một số di tích quốc gia sẽ lâu hơn và trải qua các quy trình thẩm định duyệt chặt chẽ hơn mất nhiều thời gian hơn.”

Sức sống của nghề chơi quan họ đang được biểu hiện đa dạng hình thức với nhiều cấp độ khác nhau. Do đó, ngoài những không gian sẵn có của làng để sinh hoạt văn hóa Quan họ như  đình, chùa…những yêu cầu và nhu cầu về những thiết chế quan trọng khác như Nhà chứa Quan họ, Nhà hát và các điều kiện cơ sở vật chất khác nhằm tạo không gian diễn xướng phù hợp, tương xứng giá trị di sản và đáp ứng yêu cầu thời đại.  

Mời khán giả theo dõi chương trình.

Cây hương đá chùa Tứ Kỳ - Bảo vật Quốc gia giữa lòng Hà Nội

Bảo tàng lịch sử Quốc gia có thể coi là nơi lưu giữ số lượng bảo vật quốc gia lớn nhất cả nước. Mỗi bảo vật được lưu giữ và trưng bày trong bảo tàng đều có xuất xứ, câu chuyện khác nhau, nhưng tựu chung đều chứa những giá trị đặc biệt và độc bản. Trong chuyên mục "Bảo vật quốc gia" hôm nay, mời quí vị khán giả cùng tôi tới với Bảo tàng Lịch sử quốc gia để cùng tìm hiểu về “Cây hương đá chùa Tứ Kỳ” – Bảo vật Quốc gia vừa được công nhận năm 2021 và hiện đang được trưng bày trong khuôn viên của bảo tàng.

Nằm gọn trong khuôn viên trước tòa nhà trung tâm của Bảo tàng lịch sử Quốc gia, có lẽ nếu lướt qua đây, ít người biết được những giá trị đặc sắc của Cây hương đá chùa Tứ Kỳ. Theo hồ sơ Bảo vật, cây hương đá được phát hiện tại chùa Tứ Kỳ ( nay thuộc quận Hoàng Mai – Hà Nội) vào năm 1959, rồi đưa về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Khi đó, cây hương nằm trên một gò đất nhỏ, xung quanh chỉ còn vài vỉa gạch đổ.

Tiến sĩ NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN – Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Theo hồ sơ bảo vật,  Cây hương đá chùa Tứ Kỳ cao 270 cm, rộng 87 cm và được nhận định là cây hương có kích thước lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại. Hầu hết các cây hương được phát hiện đều có kích thước cao dưới 200 cm, rộng dưới 50 cm. Điểm đặc biệt, cây hương chùa Tứ Kỳ có nghệ thuật điêu khắc, tạo hình, đề tài trang trí phong phú, sinh động, có ý nghĩa biểu tượng và minh văn được khắc trên cả 8 mặt.”

Tiến sĩ NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN – Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Bên cạnh yếu tố đặc trưng về hình dáng, đồ án hoa văn trang trí thì hồ sơ bảo vật cũng nhấn mạnh giá trị sử liệu của cây hương chùa Tứ Kỳ.”

Sau này nếu như trong làng ta bất cứ ai không tốt, tự ý bỏ việc thờ cúng, tranh đoạt ruộng đất hoặc đem sung công số ruộng này thì xin nguyện trời đất quỷ thần soi xét tru diệt không tha.

Những áng minh văn trên thân cây hương chính là dữ liệu để các nhà khoa học nghiên cứu  về chế độ ruộng đất thời Hậu Lê, thế kỷ 17. Cụ thể, đó là việc công đức ruộng đất vào chùa, lấy làm hương hỏa cho chùa được kế thừa, phát huy.  Thêm nữa, cây hương đá của chùa Tứ Kỳ cũng được đánh giá cao về giá trị lịch sử văn hóa khi thể hiện sự phát triển Phật giáo và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng thời Lê Trung Hưng. Qua những nghiên cứu về nội dung minh văn cho thấy, việc dựng cây hương này là vô cùng quan trọng, linh thiêng và được tất cả dân làng coi trọng, tôn vinh. Chính vì lẽ đõ, cây hương đá chùa Tứ Kỳ đã được lựa chọn đề tài trang trí rất kĩ lưỡng và được tạo tác vô cùng công phu từ những đôi bàn tay nghệ nhân tinh nhuệ thời Lê Trung Hưng.

Thành Điện Hải – di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nằm ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng, một chứng tích của quá trình bảo vệ, giữ gìn lãnh thổ đất nước của nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là thành lũy chiến lược trong cuộc chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha năm 1858 – 1860. Trong chuyên mục "Nơi này năm xưa" hôm  nay mời quý vị cùng chúng tôi trải nghiệm những cảm xúc đặc biệt khi tới với Di tích này. Đây cũng chính là những hình ảnh khép lại chương trình " Di sản Việt nam" hôm nay , cảm ơn quý vị đã quan tâm và đồng hành với chương trình. Xin kính chào và hẹn gặp lại.

BTV MỸ PHƯỢNG: "Thành Điện Hải trước kia được xây dựng vào thời Gia Long thứ 12 (năm 1813) ở ven sông Hàn với tên gọi đồn Điện Hải. Đến đời vua Minh Mạng thứ 4 (năm 1823), thì đồn được di dời vào bên trong đất liền và sau đó được đổi tên là Thành Điện Hải.”

Thành Điện Hải được xây chủ yếu bằng gạch mang thiết kế kiểu Vauban châu Âu. Năm 1847, thành được mở rộng với chiều cao hơn 5m, chu vi 556m, được bao quanh bởi các hào sâu 3m.Thành có hai cửa: cửa chính mở về phía Nam và cửa phụ mở về phía Đông. Trong thành có các công trình như kỳ đài, hành cung, các cơ sở chứa lương thực, thuốc súng, đạn dược và đặc biệt có thể chứa được 30 ụ đại bác cỡ lớn.”

Ông BÙI VĂN TIẾNG, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng: "Lúc bấy giờ vua Gia Long cũng như Minh Mạng có phương châm là muốn chống lại phương Tây thì phải dùng chính trình độ kỹ thuật của phương Tây. Và không phải ngẫu nhiên toà thành Điện Hải được xây dựng theo lối kiến trúc Vauban. Tất nhiên là cũng có kết hợp với một số yếu tố kiến trúc quân sự của nước ta.”

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, trong tất cả cửa biển của nước ta, cửa biển Đà Nẵng được xác định là cửa biển ngoại giao, ngoại thương duy nhất của đất nước. Do đó, thành Điện Hải được xây dựng dựa trên tính toán một cách khoa học và kỹ lưỡng của các vua triều Nguyễn, giữ vị trí chiến lược trong việc phòng thủ đất nước.”

BTV MỸ PHƯỢNG: "Thành Điện Hải được xem là một đồn luỹ cực kỳ quan trọng của nhà Nguyễn thời điểm ấy. Đặc biệt là giai đoạn 1858 – 1860.”

Năm 1858, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm chiếm Việt Nam, thành Điện Hải trở thành tiền đồn ngăn bước chân kẻ thù. Hệ thống hoả lực với rất nhiều súng Thần Công đã được các vị vua Triều Nguyễn bố trí với phương châm “ta phải dùng cái mâu của phương Tây để chống lại cái thuẫn của phương Tây” và ngược lại.”

Ông BÙI VĂN TIẾNG, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng: "Dáng vẻ bề ngoài của các khẩu thần công hiện nay còn lưu giữ tại thành điện hải nó không còn sắc thái, phông độ như những khẩu thần công đang được trưng bày ở Huế hay Hà Tĩnh với tư cách là nhữnh bảo vật quốc gia. Bởi nói một cách hình ảnh thì đây là những anh lính chiến đã từng trải qua trận mạc.”

Giai đoạn 1858 – 1860, những khẩu súng thần công này đã cùng với triều đại nhà Nguyễn, dưới sự chỉ huy của những vị tướng quân tài ba đã đánh bại hàng chục đợt tấn công ồ ạt của thực dân Pháp ở cửa sông Hàn, Đà Nẵng.”

BTV MỸ PHƯỢNG: "Có rất nhiều cái tên gắn với thành Điện Hải, và một trong số đó là danh tướng Nguyễn Tri Phương. Người đã lãnh đạo quân và dân Đà Nẵng thay mặt nhân dân cả nước đánh đuổi liên quân Thực dân Pháp – Tây Ban Nha.”

Ông BÙI VĂN TIẾNG, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng: "Nguyễn Tri Phương đã tận dụng ưu thế của người từng đứng đầu 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, am hiểu rất kỹ về người dân, sức mạnh đồng thuận của nhân dân và đặc biệt là toàn bộ địa hình phòng thủ chiến lược mà nhà Nguyễn đã xây dựng để bảo vệ cửa biển Đà Nẵng.”

Hiện nay, ngay trong khuôn viên thành Điện Hải vẫn còn bức tượng lớn của Nguyễn Tri Phương, là tấm lòng tri ân và nhắc nhớ của người đời sau về một vị danh tướng tài ba, khắc ghi một thời kỳ lịch sử vẻ vang, hào hùng của thành phố này.

Việt Hoà