Di sản Việt Nam |Số 5|: Trùng tu điện Thái Hòa - những chuyện chưa kể

Tính đến thời điểm hiện tại thì nước ta có 8 di sản thế giới và 14 di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO công nhận, cùng với hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những con số trên đã phần nào minh chứng Việt Nam là đất nước có nhiều giá trị đáng quý cả về tài nguyên thiên nhiên, về lịch sử cũng như văn hóa vùng miền.

KHỞI ĐỘNG LẠI TOUR ĐÊM “ GIẢI MÃ HOÀNG THÀNH THĂNG LONG” 

Sau một thời gian dài ngừng đón khách tham quan để phòng chống dịch, Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “ Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tối 29/4, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã khởi động lại chương trình tour đêm “ Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”. Với mong muốn mang tới một sản phẩm mới, độc đáo cho du lịch Thủ đô, tour đêm “ Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” hướng đến những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long, đem đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt và hấp dẫn, làm nổi bật những di tích, di vật độc đáo quý giá của khu di sản. Tour đêm “ Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” sẽ diễn ra thường xuyên vào 19h thứ 6 và thứ 7 hàng tuần tại Di sản Hoàng Thành Thăng Long.

KHAI THÁC HỆ THỐNG ÁNH SÁNG MỸ THUẬT TẠI DI TÍCH THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ,  CẦU HIỀN LƯƠNG THÀNH SẢN PHẨM DU LỊCH THU HÚT

Sau hơn 60 ngày thi công, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật và âm thanh tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã hoàn thành, đưa vào vận hành dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Quảng Trị. Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật sử dụng công nghệ, thiết bị thông minh có khả năng lập trình các kịch bản chiếu sáng qua máy tính. Bên bờ Hiền Lương - Bến Hải, hệ thống chiếu sáng đặt tại cầu Hiền Lương, Kỳ đài, Tượng chiến sĩ công an bảo vệ giới tuyến, Nhà trưng bày "Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất", Nhà liên hợp... Hệ thống âm thanh được bố trí từ khu vực bờ bắc và trên cầu Hiền Lương. Tại Thành cổ Quảng Trị, hệ thống đặt tại tượng đài trung tâm, khu vực Nam Môn, Bắc Môn, Lao Xá, bia chiến tích sinh viên, K3- Tam Đảo...Hệ thống âm thanh được bố trí từ cổng Tiền đến tượng đài Trung tâm và các lối đi đến các khu di tích khác. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, hệ thống đặt tại khu vực tượng đài trung tâm, nhà chuông, Nhà tưởng niệm liệt sĩ, cổng chính, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, đền thờ Bến Tắt... Về lâu dài, hệ thống này sẽ trở thành sản phẩm du lịch, đưa vào phục vụ du khách tới thăm quan.

LÀNG GỐM BÁT TRÀNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẤP QUỐC GIA

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, là làng nghề nổi tiếng, có lịch sử hình thành gắn với Thăng Long - Hà Nội. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến giờ, gốm Bát Tràng vẫn giữ được những vẻ đẹp độc đáo và tinh xảo trong từng sản phẩm, đưa gốm sứ Bát Tràng ngày càng hội nhập và phát triển trên thị trường thế giới. Việc được công nhận và tôn vinh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nghề gốm Bát Tràng tiếp tục góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch Thành phố Hà Nội. Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Bát Tràng nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch. 

TRÙNG TU ĐIỆN THÁI HÒA - NHỮNG CHUYỆN CHƯA KỂ

Để có thể phát huy giá trị của các di tích có tuổi đời hàng trăm năm, thì công tác trùng tu, bảo tồn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Khi tiến hành trùng tu, bảo tồn những công trình có giá trị văn hóa, lịch sử cao, thì các đơn vị được giao quyền quản lý buộc phải tuân theo các văn bản pháp luật trong nước, các công ước quốc tế, cũng như phải có sự nghiên cứu kĩ lưỡng về địa tầng, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và nhiều yếu tố liên quan tới công trình. Chỉ khi có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và có sự đồng thuận cao từ Trung ương tới địa phương thì việc trùng tu, bảo tồn các di tích đó mới được coi là thành công. 

Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế, nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Nơi đây được coi là là công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng cung Huế. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, Điện Thái Hòa cũng đã chịu không ít những tác động của thời gian, của thiên nhiên, khiến ngôi Điện này ít nhiều mất đi hình dáng lịch sử vốn có.

Trong tất cả các công trình thuộc Di sản cố đô Huế, điện Thái Hòa được đánh giá là di tích vẫn giữ nguyên những giá trị lịch sử, văn hóa cho đến ngày hôm nay. Là cung điện rộng lớn, uy nghi, tráng lệ nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế, công trình này đã là nơi chứng kiến biết bao thăng trầm của đất nước, ghi những dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc. Thời gian cùng với cơn nắng nóng, bão dữ đã khiến ngôi điện quan trọng bậc nhất của cố đô Huế không còn nguyên vẹn hình dáng.

Theo sử sách ghi lại, Điện Thái Hòa từng trải qua một đợt “đại trùng tu” vào năm 1923 dưới thời vua Khải Định, để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng vua tròn 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924. Qua đợt trùng tu lớn nói trên và nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhỏ khác dưới thời vua Thành Thái, Bảo Đại và trong thời gian gần đây vào các năm 1960, 1970, 1981, 1985 và 1992,  điện Thái Hòa đã ít nhiều có thay đổi. Tuy nhiên, điều may mắn là cốt cách cơ bản của cung điện này lại vẫn còn được bảo lưu, nhất là phần kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật. Với sự xuống cấp nghiêm trọng của cung điện này trong vài năm trở lại đây, chỉ có một cuộc “đại trùng tu” mới có thể trả lại những giá trị đáng quí cho tuyệt tác lịch sử này.

Trong chuyên mục ” Câu chuyện Di sản” tuần này, mời Quí vị khán giả cùng tôi tìm hiểu về công tác trùng tu Điện Thái Hòa – một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận thời gian gần đây - qua cuộc trò chuyện với Tiến sĩ PHAN THANH HẢI – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên - Huế, thành viên hội đồng di sản quốc gia và cũng là nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế từ năm 2011 – 2019!

 

Anh Thư