Di sản Việt Nam |Số 26|: Mô hình ở Tràng An - Cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển đời sống của người dân

Những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên đã được thế giới ghi nhận và Tràng An là ví dụ điển hình. Đây là nội dung chính trong Câu chuyện di sản, cùng với đó là các tin tức di sản, bảo vật quốc gia - mô hình đất nung thời Trần, nơi này năm xưa - Đền thờ Lê Hoàn - ngôi đền cổ nhất xứ Thanh.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản là câu chuyện chưa bao giờ cũ, bởi với nguồn tài nguyên di sản phong phú và đa dạng của Việt Nam thì nâng cao nhận thức trong bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản trong bối cảnh hiện nay là vô cùng quan trọng.

DÒNG CHẢY DI SẢN

DU LỊCH “QUA NHỮNG MIỀN DI SẢN RUỘNG BẬC THANG”

Với mong muốn quảng bá các nét đẹp di sản cũng như phát triển du lịch địa phương, chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” Hoàng Su Phì năm 2022 đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Chương trình với nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn, như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ II (cấp huyện); biểu diễn dù lượn “Trên những bậc thang vàng”; trưng bày sản phẩm và không gian chợ phiên. Bên cạnh đó, tại các xã và thị trấn trong huyện Hoàng Su Phì, chính quyền và đồng bào địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm thú vị.Đến nay huyện Hoàng Su Phì đã có 9 di tích, di sản được các cấp xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia.

KHÁNH THÀNH BIA DI TÍCH CHIẾN THẮNG ĐỒN NHẤT- HẢI VÂN QUAN

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đồn Nhất Hải Vân Quan (25/9/1952-25/9/2022), chiều ngày 23/9, Thành ủy Đà Nẵng và Viện Lịch sử Quân đội đã tổ chức khánh thành Bia Di tích Chiến thắng Lệ Sơn và Bia chiến thắng Đồn Nhất-Hải Vân Quan. Di tích Chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan” là một trong các hạng mục thuộc “Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan”. Bia mô tả trận đánh Đồn nhất của tiểu đoàn 59 vào rạng sáng ngày 25/9/1952, trận đánh có ý nghĩa quan trọng trong chiến dịch Hè thu 1952 nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung.

BIỂU DIỄN VŨ ĐIỆU CHĂM DƯỚI CHÂN THÁP BÀ PONAGAR

Di tích Tháp bà Ponagar được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo của người Chăm và đã tồn tại hơn 1.200 năm, là nơi thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến chiêm bái và tham quan mỗi năm. Với những nỗ lực phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 và bảo tồn nét đẹp văn hóa của người dân tộc Chăm, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đã đưa hoạt động múa Chăm vào trình diễn thường xuyên tại Di tích Tháp Bà Ponagar ở thành phố Nha Trang để phục vụ người dân và du khách. Qua đó các nghệ nhân đã thể hiện tâm tư, tình cảm của mình, tình yêu lứa đôi nam nữ, ca ngợi tinh thần lao động của dân tộc mình. Những vũ điệu quyến rũ được xem như “món ăn tinh thần” không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế khi đến với phố biển Nha Trang. Đến với khu di tích này, du khách sẽ nhận thấy việc “không sân khấu hóa” múa Chăm đã thể hiện được mộc mạc nhưng đậm chất văn hóa của người Chăm trong các bài múa, điệu nhạc của chính họ. Đây cũng là nơi duy nhất hiện nay đưa múa Chăm vào biểu diễn thường nhật qua đó quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm nói riêng và di tích Tháp bà Ponagar nói chung trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

CÂU CHUYỆN DI SẢN

TRÀNG AN – MÔ HÌNH BẢO TỒN DI SẢN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG

Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) vừa được diễn ra tại Ninh Bình. Lễ kỷ niệm không chỉ thể hiện vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước đồng thời giúp quảng bá rộng rãi những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới. Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (Unesco) ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên và nhận định Tràng An là ví dụ tuyệt vời cho mô hình phát triển kinh tế và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới.

BẢO VẬT QUỐC GIA

MÔ HÌNH ĐẤT NUNG MANG ĐẬM DẤU ẤN KIẾN TRÚC THỜI TRẦN

Theo Hồ sơ Bảo vật, mô hình đất nung tại Bảo tàng Nam Định được xác định niên đại vào thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Mô hình được người dân phát hiện tại khu lăng Chiếng, thôn Lại Xá, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định vào năm 1973, và là mô hình hiếm hoi còn gần như nguyên vẹn với 14 mảnh được đánh số thứ tự. Nhờ vậy, những dữ liệu lịch sử đã được chứng thực thông qua mô hình đất nung quí hiếm này.

NƠI NÀY NĂM XƯA

ĐỀN THỜ LÊ HOÀN – NGÔI ĐỀN CỔ BẬC NHẤT XỨ THANH

Thọ Xuân (Thanh Hóa) vốn là vùng quê giàu truyền thống Cách mạng, là quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, đặc biệt đây còn là nơi phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, mảnh đất này vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa riêng biệt với các nhân vật, địa danh, mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Trong chuyên mục “Nơi này năm xưa”, mời quý vị hãy cùng chúng tôi ghé thăm Đền thờ Lê Hoàn, một trong những di tích Quốc gia đặc biệt có công trình kiến trúc nghệ thuật giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất độc đáo.

Nằm lặng lẽ, trầm mặc trong một ngôi làng hàng trăm năm tuổi, Đền Lê Hoàn nơi đã sinh ra vị khai quốc của Triều Tiền Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc - Lê Đại hành Hoàng đế cho đến nay vẫn được mệnh danh là một trong những ngôi đền cổ bậc nhất xứ Thanh. Là một công trình kiến trúc gỗ được xây dựng từ thế kỷ XVII, cho đến nay kiểu dáng kiến trúc Đền thờ Lê Hoàn vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Với kết cấu kiến trúc mặt bằng chữ Công, có hệ vì kèo đặc trưng: Giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc đã tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể công trình. Đặc biệt hơn, tại đền thờ còn bảo tồn được hệ thống các mảng chạm khắc: chạm thủng, chạm nổi, chạm bong được trang trí trong kiến trúc của toàn bộ ngôi đền, với đề tài phong phú và đa dạng theo những mô tuýp truyền thống cùng những bức phù điêu, con giống bằng đất nung của thế kỷ XVII, đã tạo nên những giá trị nghệ thuật hết sức đặc sắc của di tích này. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết!

Linh Chi