• 1684 lượt xem
  • 07:19 11/04/2022
  • Văn hóa

Di sản Việt Nam |Số 2|: Số hóa bảo tàng - xu hướng tất yếu

Để bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản, không phải là nhiệm vụ của riêng một đơn vị, một cá nhân nào đó mà là trách nhiệm của cộng đồng, của mỗi người con đất Việt. Số hóa bảo tàng là xu hướng tất yếu của các bảo tàng trên thế giới, khi mà bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc tiếp cận thông tin, hiện vật trực tiếp gặp khó khăn, thì bảo tàng số sẽ giúp công chúng dễ dàng truy cập, tham quan.

Di sản văn hóa luôn là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước, qua nhiều thời kỳ lịch sử, cùng với đó, lớp lớp di sản của các nền văn hóa được hình thành, phát triển. Để bảo tồn, phát huy những giá trị của Di sản, không phải là nhiệm vụ của riêng một đơn vị, một cá nhân nào đó mà là trách nhiệm của cộng đồng, của mỗi người con đất Việt. Chương trình “Di sản Việt Nam” cũng mong muốn góp một phần trách nhiệm trong quá trình bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu của lịch sử, văn hoá Việt Nam. Và ngay bây giờ, mời quý vị khán giả đến với chuyên mục “Dòng chảy Di sản” để cũng điểm lại những tin tức đáng chú ý tuần qua.

CÔNG NHẬN 2 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA TỈNH HÀ GIANG

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố hai di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Hà Giang được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó là “Lễ cầu mùa” của dân tộc Cờ Lao đỏ ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì và Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì.

Theo đó, Lễ cầu mùa hay còn gọi là cúng ngô mới là nét sinh hoạt văn hóa thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng của dân tộc Cờ Lao. Hằng năm, sau khi thu hoạch xong lúa, ngô, đồng bào Cờ Lao thường tổ chức lễ cầu mùa. Khi tổ chức, đồng bào Cờ Lao ở các thôn, bản xã Túng Sán cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ cúng gồm xôi, gà, thịt lợn, bánh chưng, rượu, các loại bánh như bánh kẹo, hoa quả cùng tiền vàng và hương.

Lễ cúng Bàn Vương (hay còn gọi là Quỹa Hiéng) là lễ hội quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Dao đỏ, biểu hiện lòng tôn kính tổ tiên và ước vọng về một cuộc sống thái bình, thịnh vượng, đồng thời cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, người Dao đỏ coi việc thờ cúng Bàn Vương là việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và luôn có tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng phù hộ trong cuộc sống.

CÔNG NHẬN LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA 

Còn tại tỉnh Bình Thuận, Lễ hội Katê của người Chăm cũng vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận được tổ chức vào ngày 1/7 hằng năm theo lịch của đồng bào Chăm, thường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Đây là lễ hội lớn kéo dài trong 3 ngày với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.

LỄ KHAI HẠ TẠI LĂNG ÔNG BÀ CHIỂU ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Sau hơn 1 năm làm hồ sơ, "Lễ hội khai hạ - cầu an" tại lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ khai hạ - cầu an thường diễn ra vào mùng 7 tháng giêng âm lịch hằng năm tại lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt, hay còn gọi là lăng Ông Bà Chiểu. Theo sử sách có chép, sinh thời, đức Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích hát bội nên trong lễ khai hạ - cầu an tại lăng Ông thường kèm theo những chầu hát bội sống động với các tuồng tích như: Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu... Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông.

CÂU CHUYỆN DI SẢN - SỐ HÓA BẢO TÀNG: XU HƯỚNG TẤT YẾU TRONG THỜI ĐẠI 4.0

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, là nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật có giá trị, góp phần tích cực bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc. Trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay, câu chuyện số hoá Bảo tàng cũng được rất nhiều nhà quản lý, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng  quan tâm, chú trọng. Đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 xảy ra 2 năm qua, nhiều bảo tàng phải đóng cửa một thời gian dài thì câu chuyện số hoá bảo tàng lại càng được nhắc đến nhiều hơn. 

iMuseum là phần mềm trên ứng dụng thông minh đang được Bảo tàng Mỹ thuật triển khai, để giúp người xem có những trải nghiệm vượt trội hơn  khi tới bảo tàng. Với một khoản tiền 50.000 được sử dụng trong 8 giờ, người xem chỉ cần mở app iMuseum, quét mã QR code trên các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng, những thông tin sâu về hiện vật sẽ hiện ra bằng cả hình thức văn bản lẫn giọng nói. Như vậy, không cần đến hướng dẫn viên, khách tham quan hoàn toàn có thể tự mình làm chủ hành trình của mình, tự tiếp nạp những thông tin súc tích, cô đọng về hiện vật khi sử dụng phần mềm này.

Anh TRẦN ĐĂNG KHOA – Nghiên cứu sinh ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội: “Một cái thuận tiện nhất mà tôi thấy được là so với các năm trước là khi chúng ta có cái iMuseum này thì chúng ta có thể truy cập được những thông tin rất là chi tiết về từng hiện vật một, những điều mà trước đây có thể chúng ta rất mất công để tìm mua những tài liệu chuyên khảo rất là dày và phức tạp.” 

Ông NGUYỄN ANH MINH – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Đây là một ứng dụng multimedia, vừa có thể xem hình ảnh, vừa có thể nghe audio, xem các tác phẩm chất lượng cao, xem những phần viết giới thiệu của tác phẩm. Có thể nói là có rất nhiều cách tiếp cận với các hiện vật tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Với 8 ngôn ngữ, khách du lịch của nhiều nước trên thế giới đều có thể tiếp cận các tác phẩm trong bảo tàng bằng ngôn ngữ của mình”

Không chỉ phát triển ứng dụng trên thiết bị thông minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đồng thời nâng cấp trang web vnfam.vn theo hướng số hóa, gia tăng tính kết nối với cộng đồng. Nhiều thông tin hiện vật được hiển thị, các gian trưng bày 3D hay 3D tour của bảo tàng đã giúp khách tham quan nhiều nơi trên thế giới có thể tiếp cận bảo tàng một cách dễ dàng, đặc biệt trong giai đoạn 2 năm dịch bệnh Covid vừa qua. Và không chỉ tại Bảo tàng Mỹ thuật, một số bảo tàng cũng đã hình thành các tour tham quan 3D trên trang web, trưng bày trực tuyến theo chủ đề, hay  ứng dụng công nghệ thuyết minh audio voice….. Tuy nhiên, để có thể tạo ra những dấu ấn riêng trong xu hướng số hóa hiện nay thì có rất ít bảo tàng làm được và cũng chủ yếu là những bảo tàng lớn của Trung ương như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Còn lại đa số mới chỉ dừng ở mức độ tìm hiểu, hoặc tiếp cận giai đoạn đầu. 

Ông BÙI HOÀI SƠN – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Chúng ta thực tế đang ở trong những nấc thang đầu tiên trong quá trình số hóa. Nó có nhiều lí do nhưng có thể nói là chúng ta đang chưa chủ động trong quá trình số hóa bảo tàng, trừ một số bảo tàng lớn, mang tính tiên phong. Đặc biệt là khi dịch bệnh COVID-19 nó càn quét, ảnh hưởng tiêu cực thì lúc đó chúng ta mới nghĩ tới việc số hóa bảo tàng, nghĩ nhiều hơn tới tiếp cận khán giả, tới những người đến với bảo tàng từ xa, để duy trì hoạt động của mình”

Trên thực tế,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những văn bản qui định về tin học hóa hoạt động bảo tàng, trong đó chú trọng việc xây dựng ngân hàng dữ liệu hiện vật từ năm 2009. Tuy nhiên, việc xây dựng dữ liệu số chỉ là một phần nhỏ trong công tác số hóa, khi mà công nghệ hiện nay đang phát triển như vũ bão. Số hóa không chỉ đơn giản là dữ liệu,  mà còn là sự tương tác, sự kết nối, sự tiện dụng cho những đối tượng mà bảo tàng muốn hướng tới. Xét trên một bình diện rộng như vậy thì đại đa số các bảo tàng ở nước ta đều có thể bị coi là chậm hơn thời đại.

Hiện nay trên cả nước có khoảng 200 bảo tàng của cả nhà nước lẫn tư nhân – một con số đòi hỏi nguồn lực đầu tư khá lớn để có thể tiến hành số hoá. Tuy nhiên, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, một số bảo tàng vẫn có thể duy trì được hoạt động của mình, duy trì sự kết nối của mình với cộng đồng lại chính nhờ hoạt động số hoá. Và trong xu chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, việc trước sau các bảo tàng phải chuyển mình theo xu thế là điều khó tránh khỏi.

Đây là buổi thăm quan, tham khảo ứng dụng iMuseum của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Được sự quan tâm của tỉnh, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã quyết tâm xây dựng đề án số hóa bảo tàng, để làm sao nâng cấp hình ảnh một bảo tàng hiện đại, quảng bá những giá trị lịch sử của bảo tàng đến với cộng đồng trong nước cũng như trên thế giới.

Bà VŨ THỊ TUYẾT NGA – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: “Đối với tỉnh Điện Biên thì là một tỉnh miền núi xa xôi, thế nhưng mà cũng đã xác định du lịch là điểm mấu chốt để phát triển kinh tế của tỉnh. Trong du lịch nói chung thì du lịch lịch sử là cái đặc điểm nổi trội của Điện Biên Phủ, chính vì thế mà trong thời gian qua tỉnh rất là quan tâm. Đặc biệt là đối với Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ là cái nơi mà lưu giữ, trưng bày tài liệu hiện vật, giới thiệu một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu thì việc quan tâm đầu tư từ cơ sở vật chất cho đến ứng dụng công nghệ thông tin trong việc từ bảo tồn cho đến giới thiệu, truyền bá các cái giá trị  văn hóa của chiến thắng Điện Biên Phủ tới đông đảo nhân dân trong cả nước cũng như khách quốc tế cũng đặc biệt được quan tâm.”

Tại Bảo tàng Quảng Ninh – một trong những bảo tàng được nhiều khách tham quan mỗi khi đến với TP Hạ Long. Ngay từ những ngày đầu thay áo mới, bảo tàng cũng đã thiết kế chương trình tham quan 3D tour để tăng sự tiếp cận của khách tham quan khi muốn tìm hiểu về bảo tàng. 

Ông NGUYỄN SỸ NGỌC – Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bảo tàng Quảng Ninh: “Toàn bộ không gian trưng bày của chúng tôi đã được số hóa thành dạng 3D trên website. Nếu khách không đến thăm quan được bảo tàng thì có thể tìm hiểu thông qua 3D Tour. Chúng tôi cũng rất mong tiếp tục có những dự án đầu tư thêm về bảo tàng thông minh nhưng hiện nay chưa có kinh phí để tiếp tục”

Có thể thấy, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hơn 2 năm qua, không chỉ bảo tàng cấp Trung ương mà bảo tàng các tỉnh cũng đã có nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của công tác số hóa. Tuy nhiên, để có thể số hóa được thì lại đòi hỏi rất nhiều yếu tố đồng bộ, từ con người đến kinh phí. Mà trên thực tế, đa số việc đầu tư số hóa tại các bảo tàng hiện nay đều theo dự án, khi dự án hết tiền thì đồng nghĩa khó có thể triển khai được. Điều này dẫn đến tình trạng số hóa nửa vời hoặc hiệu quả của công tác số hóa rất thấp, không đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của quá trình chuyển đổi số.

Ông BÙI HOÀI SƠN – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Trong quá trình hiện nay thì chúng ta khó mà lảng tránh được quá trình số hóa bảo tàng. Chúng ta cần phải đầu tư nguồn lực nhiều hơn, đầu tư mạnh hơn về nguồn nhân lực, máy móc hiện đại hơn để làm tốt nhiệm vụ số hóa”.

Theo con số mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp, 3 tháng đưa phần mền iMuseum vào vận hành trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, lượng khách  tham quan bảo tàng trực tuyến là gần 8000 lượt người-  bằng cả năm đón khách trực tiếp khi chưa có dịch. Điều này đã minh chứng công nghệ số có thể tăng tính kết nối như thế nào nếu các bảo tàng được đầu tư bài bản.

Như chia sẻ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong phóng sự thì trong 3 tháng triển khai ứng dụng iMuseum, lượng khách tham quan bảo tàng ảo trên trang web iMuseum của Bảo tàng Mỹ thuật bằng 1 năm đón khách khi chưa có dịch. Nhìn vào thực tế của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì có thể thấy, nếu làm tốt công tác số hoá bảo tàng, tính kết nối của bảo tàng với cộng đồng, đặc biệt là bạn bè quốc tế sẽ lớn hơn rất nhiều so với một bảo tàng chưa kịp số hoá hoặc việc số hoá chưa đáp ứng được xu hướng của thời đại. Đầu tư là nền tảng nhưng cách làm, cách triển khai số hoá như thế nào mới là yếu tố quyết định việc số hoá có hiệu quả hay không. Thông qua chuyên mục Câu chuyện Di sản ngày hôm nay, với phần chia sẻ của Ông PHẠM ĐỊNH PHONG– Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chúng tôi hi vọng quý vị khán giả có thêm những góc nhìn về các bảo tàng ở nước ta trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Cảm ơn ông đã tham gia chuyên mục “Câu chuyện Di sản” của chúng tôi.

BẢO VẬT QUỐC GIA

Văn hóa Đông Sơn được các nhà Tiền sử học đặt trong thời đại đồng và sắt sớm, có niên đại cách ngày nay khoảng 2500-2000 năm. Đây là nhân lõi vật chất của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, của nền văn minh sông Hồng, sông Mã, sông Cả, của những bộ sưu tập hiện vật ấn tượng và vô cùng phong phú, phản ánh muôn mặt đời sống cộng đồng cư dân Việt cổ. Bên cạnh các hiện vật trống đồng Đông Sơn đặc trưng thì thạp đồng cũng được các nhà nghiên cứu khảo cổ học đánh giá là loại hình mang bản sắc của văn hoá Đông Sơn. Trong chuyên mục “Bảo vật Quốc gia” ngày hôm nay, chúng tôi mời quí vị khán giả cùng chiêm ngưỡng chiếc “Thạp đồng Đông Sơn” được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh – một trong 23 Bảo vật Quốc gia được công nhận năm 2021 vừa qua.

Thạp đồng Đông Sơn của Bảo tảng Quảng Ninh được xác định niên đại từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Dù mang những nét đặc trưng của Thạp đồng Đông Sơn, nhưng chiếc thạp đồng của Bảo tàng Quảng Ninh được các nhà khoa học đánh giá là có họa tiết trang trí và kỹ thuật chế tác vô cùng độc đáo, khác lạ, riêng biệt. 

Bà ĐỖ THANH MAI – Phó trưởng phòng Tuyên truyền cơ sở Bảo tàng Quảng Ninh: “Đối với Thạp đồng Đông Sơn thì đã sử dụng biện pháp đúc đồng bằng khuôn sáp nóng chảy, đây là một trong những kỹ thuật đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn, nó đòi hỏi một cái tay nghề, trình độ cao của nghệ nhân khi thổi hồn vào tác phẩm này”

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học về văn hóa Đông Sơn, đồ đồng thời này thường được làm bằng phương pháp khuôn ghép bản. Khi người chế tác ghép 2 nửa hiện vật vào với nhau, các hiện vật thường sẽ có gờ tại điểm ghép. Thế nhưng Thạp đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Quảng Ninh được tạo tác hoàn toàn bằng phương pháp rót đồng vào khuôn sáp, điều ngày giúp cho bề mặt của thạp hoàn toàn trơn nhẵn, nâng cao giá trị thẩm mỹ.  Bên cạnh đó, nghiên cứu kĩ về các họa tiết trang trí trên nắp thạp, thân thạp có thể thấy phong cách tả thực rất sinh động của người Việt cổ.

Ông ĐỖ ĐĂNG ĐƯỜNG – Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Quảng Ninh: “Thạp đồng có nắp trang trí tia mặt trời 12 cánh, thân thạp chạm khắc hình người, hình sóng nước, động vật và đặc biệt là hình người được tạo tác trong tư thế khuỵu và có cái đà hướng về phía trước, thuyền khắc ở trên thân thạp, đầu thuyền là người chỉ huy, thân thuyền chở nhiều người có mặc trang phục chiến đấu của nền văn hóa Đông Sơn”.

Mặc dù những dấu vết oxy đã làm mờ đi không ít các họa tiết hoa văn trên Bảo vật Quốc gia này, tuy nhiên quan sát kĩ, chúng ta cũng có thể nhìn thấy một bức tranh sinh động, trong đó có người, chim, thú, có cá biển, sam biển, rùa biển … được mô tả trong tư thế đang bay, đang bơi, hay nhảy trên mặt nước... Hình tượng các động vật vùng biển đã chứng minh yếu tố biển đậm nét trong văn hóa Đông Sơn mà nhiều bằng chứng trước đây chưa thể hiện được rõ nét. 

Có thể nói, Thạp đồng Đông Sơn của Bảo tàng Quảng Ninh đã góp thêm những bằng chứng mới, xác thực và sinh động, chứng minh sự phát triển rực rỡ và đa dạng của văn minh Đông Sơn của người Việt cổ.

Mỗi hiện vật, di vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia đều chứa đựng những giá trị đặc trưng về văn hoá, lịch sử hay những câu chuyện nổi bật về cả một thời kì, giai đoạn lịch sử của dân tộc ta. Chúng tôi sẽ lần lượt tiết lộ tới quý vị và các bạn 23 Bảo vật Quốc gia được công nhận trong năm 2021, quí vị và các bạn nhớ đừng bỏ lỡ chuyên mục hấp dẫn này. Còn bây giờ, chúng ta sẽ tới với chuyên mục cuối cùng trong chương trình ngày hôm nay, chuyên mục “Nơi này năm xưa”. Cùng chúng tôi tìm về một địa điểm ngay trung tâm của thủ đô và cùng lắng lòng lại một chút để nghe nơi này kể lại câu chuyện xưa. 

NƠI NÀY NĂM XƯA

Nơi tôi đang đứng đây chắc hẳn cũng là điểm đến quen thuộc với rất nhiều người dân Hà Nội. Một không gian có thể tổ chức hội nghị, hội thảo, các hoạt động văn hóa văn nghệ, hay những hoạt động triển lãm ngay tại trung tâm của Thủ đô. Vâng, không gian đó chỉ có thể là Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô hay vẫn thường được gọi tắt là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. 

Thế nhưng, liệu Quí vị có biết vào thời điểm năm 1902, cũng tại nơi đây từng có một tòa nhà được xây dựng để phục vụ cho hoạt động triển lãm nhưng ở qui mô lớn hơn rất nhiều so với hiện tại. Thời đó, họ gọi nơi đây là Nhà Đấu Xảo Hà Nội – Một khu phức hợp thương mại đầu tiên của thủ đô.

Năm 1902, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer muốn tổ chức một hội chợ triển lãm quốc tế có quy mô lớn ở Hà Nội để giới thiệu các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của Bắc Kỳ, cùng với hiện vật văn hóa của Đông Dương và Viễn Đông. Kiến trúc sư Adolphe Bussy đã được giao trọng trách thiết kế công trình này phỏng theo công trình Grand Palais tại Paris, Pháp và được người Việt gọi là Nhà đấu xảo, nghĩa là nơi trưng bày sản phẩm thủ công để so sánh độ tinh xảo của chúng và tay nghề của nghệ nhân. Khu phức hợp này có diện tích 17 hecta, có tòa nhà trung tâm có chiều dài 110m, rộng 30m, cao tới 27m. Hội chợ đầu tiên mở tại đây là hội chợ năm 1902 (Exposition 1902) khai mạc ngày 16-2-1902 và kéo dài đến tháng 4 năm đó. Sau hội chợ, tòa nhà chính trở thành Bảo tàng Maurice Long - viện bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất của Đông Dương.

Theo các tài liệu về Hà Nội thì sau hội chợ triển lãm đầu tiên tổ chức năm 1902, nhiều hội chợ Hà Nội cũng được tổ chức vào các năm sau đó, cho tới năm 1941, Hội chợ Hà Nội là hội chợ lần cuối cùng. Khi phát xít Nhật xâm chiếm Việt Nam, Nhà đấu xảo đã bị biến thành căn cứ quân sự và vào cuối Thế chiến thứ hai, bom đạn của Mỹ đã phá hủy hoàn toàn công trình này.

Quy mô, hoành tráng, tầm cỡ có lẽ là cảm nhận chung của rất nhiều người khi xem lại những bức ảnh tư liệu về khu vực Nhà Đấu Xảo Hà Nội. Và cũng nhìn lại những bức ảnh này để thấy, chiến tranh đã làm chúng ta tiếc nuối những gì? …..Để thấy, từng có một Hà Nội thênh thang thế nào, rộng rãi thế nào trước khi trở nên chật chội như ngày nay. 

Anh Thư